Ngày 2/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu của hàng chục nền kinh tế.
Theo các nhà phân tích tại TD Securities, chính quyền của Tổng thống Trump có thể sẽ duy trì các mức thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác, ít nhất đến kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2026. Mức thuế này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa mà còn làm xáo trộn thị trường bạc và các hàng hóa công nghiệp khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhu cầu đối với vàng lại có khả năng gia tăng mạnh mẽ, khi lạm phát leo thang và các tài sản rủi ro bị ảnh hưởng tiêu cực, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Các nhà phân tích cho rằng mức thuế cơ bản 10% sẽ không thể thương lượng, nhưng một số quốc gia chịu ảnh hưởng có thể thành công trong việc đàm phán giảm các mức thuế đối ứng. Ngoài ra, nếu các mức thuế vẫn được duy trì, chúng sẽ khiến lạm phát ở mức cao ít nhất trong 2 tháng tới - điều này là tin xấu đối với Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED).
Theo tính toán của các nhà phân tích tại TD Securities, lạm phát CPI có thể tăng vọt lên ít nhất 3,5%. Những tác động đối với hàng hóa - bao gồm kim loại cơ bản và kim loại quý - cũng sẽ rất sâu rộng.

Áp lực đang gia tăng đối với các giao dịch EFP (giao dịch hoán đổi vật chất) của vàng, hiện có tới 89% hợp đồng tương lai đang được hỗ trợ hoặc đảm bảo bởi vàng tồn kho trên sàn giao dịch Comex, trong khi, tỷ lệ này đối với bạc là 57%.
Mặc dù các giao dịch EFP của vàng đang giảm nhưng không có nghĩa là giá vàng sẽ đi xuống. Ngược lại, các nhà phân tích cho rằng vàng đang trong tình trạng "mua nhiều nhưng sở hữu ít" - điều này có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với vàng vẫn mạnh, đặc biệt khi xét đến một số yếu tố như nhu cầu trú ẩn an toàn, các quỹ đầu tư có nguồn tài chính dồi dào, biên độ an toàn lớn đối với việc bán ra của các quỹ CTA,...
Trong khi đó, tác động lên bạc và kim loại công nghiệp không đơn giản như vậy, vì nó còn phụ thuộc nhiều hơn vào cách phản ứng của các quốc gia bị áp thuế trên thế giới.
Các nhà phân tích tại TD Securities cho rằng, thuế quan đối ứng sẽ có tác động mạnh mẽ hơn đến lạm phát so với tăng trưởng kinh tế. Tác động của tăng trưởng kinh tế đối với nhu cầu kim loại công nghiệp như bạc, đồng, nhôm... sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như phản ứng của các quốc gia trước chính sách thuế quan, tâm lý rủi ro từ nhà đầu tư và sự thay đổi trong giá trị tài sản (như chứng khoán, bất động sản).
Đồng thời, họ cũng cảnh báo rằng, sự kỳ vọng vào "#silversqueeze" - chiến lược mà các nhà đầu tư cố gắng tạo ra sự khan hiếm trên thị trường bạc bằng cách mua vào và tích trữ bạc, từ đó thúc đẩy giá bạc tăng có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi lượng hàng hóa tồn kho và rủi ro từ các quyết định thuế quan. Điều này khiến việc duy trì và tăng trưởng nhu cầu bạc không còn chắc chắn.

Có nên mua vàng?
Theo Financialexpress, vàng đã tăng khoảng 20% trong quý 1/2025 và sẽ đạt mức cao hơn cho đến khi sự chắc chắn được thiết lập trong môi trường kinh tế. Chính sách thuế quan khó lường của ông Trump được một số nhà phân tích cảnh báo có thể khiến lạm phát bùng phát trở lại và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tiến sĩ Saurabh Gadgil, CMD, PNG Jewellers cho biết, "Nỗi lo suy thoái kinh tế ở Mỹ và nền kinh tế toàn cầu chậm lại đang thúc đẩy cơn sốt giá vàng, điều này có thể đẩy giá kim loại quý này tiếp tục lên cao.
Các nhà phân tích tại Bank of America gần đây đã công bố một báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng nhu cầu về vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay do các ngân hàng trung ương mua vào, nhu cầu từ các nhà đầu tư...
Bà Renisha Chainani, Trưởng phòng nghiên cứu tại Augmont cho biết, hợp đồng vàng tháng 6 duy trì trên mức 3.145 USD/ounce, vàng duy trì xu hướng tăng giá mạnh với ngưỡng kháng cự tiếp theo ở mức 3.200 USD/ounce và 3.250 USD/ounce.
Theo bà Chainani, có rất nhiều sự không chắc chắn và biến động trên thị trường. Đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào như vàng - hiện ở mức giá cao kỷ lục có thể không phải là cách tiếp cận tốt nhất trừ khi bạn có mục tiêu dài hạn.