Mới đây, một câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội đã khiến không ít người “giật mình tỉnh ngộ” về việc tự đặt vé máy bay tưởng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Câu chuyện được chia sẻ bởi một đại lý vé máy bay, liên quan đến một nữ khách hàng có ý định mua vé cho chuyến du lịch gia đình gồm ba người.
Ban đầu, người này chủ động liên hệ với đại lý để hỏi giá. Tuy nhiên, sau khi được báo, chị đã quyết định không đặt nữa vì nhận thấy giá vé từ đại lý cao hơn giá trên website hãng hàng không khoảng vài chục nghìn đồng. Với tâm lý tiết kiệm, chị cẩn thận tự mình lên web đặt vé, hoàn tất thanh toán và thậm chí còn không quên gửi ảnh vé sang khoe với đại lý cùng lời nhắn: “Lúc nào có vé 0 đồng 0 thuế, giảm phí còn 30k thì chị đặt nhé!”

Thế nhưng, trong khi vị khách này nghĩ mình vừa có một pha "cao tay" tiết kiệm được 50.000 đồng phí dịch vụ, thì thực tế lại chẳng dễ dàng đến thế. Ngay khi nhận được ảnh vé, đại lý chỉ biết nhắn lại lời chúc “check-in suôn sẻ” vì chẳng biết nói gì hơn. Lý do là bởi tấm vé mà chị khách tự đặt đã mắc một lỗi nghiêm trọng khi phần tên hành khách bị điền sai định dạng. Nghe thì có vẻ nhỏ nhặt, nhưng đây là lỗi có thể khiến hành trình bay của bạn hoàn toàn đổ bể.
Cụ thể, tên của từng hành khách bị lặp lại hai lần, dẫn đến định dạng sai hoàn toàn.
Ví dụ như: NGO, MAI HUONG NGO MAI HUONG
Trong khi đó, theo quy định của các hãng bay, tên trên vé phải khớp chính xác tuyệt đối với giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD hoặc hộ chiếu), và phải được viết theo định dạng: HỌ/TÊN ĐỆM TÊN, chẳng hạn như: NGO/MAI HUONG
Việc ghi sai định dạng tên như vậy có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả nghiêm trọng: hành khách không được làm thủ tục check-in, hãng từ chối vận chuyển vì vé không hợp lệ, và thậm chí phải mua lại vé mới hoặc chịu thêm chi phí đổi tên (nếu hãng còn cho phép đổi). Tệ hơn nữa, nếu lỗi này chỉ được phát hiện khi đã gần đến giờ bay, khả năng cao là hành khách sẽ phải mua vé mới với mức giá cao, trong khi vé cũ gần như không thể hoàn tiền.

Ảnh minh họa
Thực tế, việc tự đặt vé hoàn toàn có thể nếu người mua nắm rõ quy trình, định dạng nhập thông tin và chính sách của từng hãng bay. Tuy nhiên, không phải ai cũng cẩn thận đến vậy. Trong trường hợp này, chỉ vì tiếc khoản phí 50.000 đồng, hành khách suýt phải trả cái giá cao hơn hàng trăm lần.
Không ít người cho rằng việc mua vé qua đại lý là phiền phức hoặc tốn tiền không đáng. Nhưng thực tế, ngoài việc đặt vé, đại lý còn hỗ trợ xử lý các phát sinh như sai thông tin, hoãn/hủy chuyến, báo trước giấy tờ cần chuẩn bị, thậm chí check-in hộ.
Một người dùng chia sẻ: “Là người lười, tôi luôn mua vé qua đại lý. Gửi ngày – giờ – địa điểm là xong, không phải lo gì cả. Nếu có sự cố, cũng có người xử lý giúp mình”.



Tùy vào các hãng hàng không lại có cách điền thông tin khác nhau, vậy nên nếu là người nắm rõ các quy định của hãng bay bạn hoàn toàn có thể tự đặt vé máy bay cho mình.
Không phải ai cũng cần đến đại lý và không phải đại lý nào cũng lấy phí dịch vụ phải chăng. Nếu bạn là người thành thạo công nghệ, thường xuyên bay và nắm rõ chính sách các hãng bay thì việc tự túc đặt vé máy bay sẽ tiết kiệm hơn. Nhưng với những ai ít kinh nghiệm hoặc chỉ bay vài lần/năm, việc sử dụng dịch vụ qua đại lý vẫn là lựa chọn an toàn hơn.
Nguồn ảnh: @huyen1403lc