Bệnh nhân tiền sử béo phì từ nhỏ, từng áp dụng nhiều phương pháp giảm cân không hiệu quả. Lần này, khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, anh được chẩn đoán béo phì trầm trọng, đã gây ra một số biến chứng sức khỏe.
Ê kíp quyết định thực hiện phẫu thuật SADI-S (Single Anastomosis Duodeno-Ileal bypass with Sleeve Gastrectomy), kết hợp thu nhỏ dạ dày và chuyển vị tá tràng với một miệng nối nhằm giảm thể tích dạ dày, hạn chế thèm ăn cũng như giảm hấp thu năng lượng từ thực phẩm.
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 3/4 với sự hỗ trợ của giáo sư Jan Willem Greve, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Phẫu thuật Béo phì và Rối loạn chuyển hóa thế giới (IFSO). Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Theo giáo sư Greve, phương pháp này hiệu quả nhờ kết hợp vừa thu nhỏ khoảng 70-80% thể tích dạ dày, vừa chuyển hướng thức ăn trực tiếp đến phần ruột xa hơn, bỏ qua một đoạn ruột có vai trò quan trọng trong trao đổi chất. Kỹ thuật phức tạp hơn các phương pháp mổ giảm béo khác, hiện được áp dụng tại nhiều trung tâm y tế lớn ở châu Âu.
Nghiên cứu quốc tế ghi nhận SADI-S có thể giúp bệnh nhân giảm từ 85-90% trọng lượng thừa trong vòng 2 năm sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, hơn 80% bệnh nhân đái tháo đường type 2 đạt được thuyên giảm hoặc kiểm soát tốt tình trạng bệnh mà không cần thuốc. Hiệu quả cải thiện mỡ máu và huyết áp cũng cao hơn đáng kể so với phương pháp thu nhỏ dạ dày truyền thống.
"Phẫu thuật là lựa chọn cần thiết với những bệnh nhân béo phì nặng không đáp ứng với thay đổi lối sống", GS Jan Willem Greve nói.

Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân trước ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, cho biết béo phì đang gia tăng với tốc độ nhanh, đặc biệt ở giới trẻ. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, với trẻ em, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Còn với người trưởng thành, con số tăng 30% trong 6 năm, từ 15% năm 2015 lên 19% năm 2020.
Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe như tiểu đường, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, rối loạn chuyển hóa mỡ, gan nhiễm mỡ, bệnh lý xương khớp, sỏi mật, trào ngược, ung thư...
Giảm cân là cách tốt nhất giúp cải thiện các chỉ số sức khỏe, trong đó chế độ ăn uống, tập luyện, thay đổi lối sống phải được áp dụng xuyên suốt trong cuộc chiến giảm cân.
Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này còn hạn chế. Nhiều người tin vào các phương pháp giảm cân cấp tốc không có cơ sở khoa học, thậm chí bị dẫn dắt bởi quảng cáo sai lệch, dẫn đến hậu quả nặng nề về sức khỏe và tài chính.
"Béo phì là bệnh lý mạn tính, bắt nguồn từ rối loạn cân bằng năng lượng và chuyển hóa. Điều trị cần chiến lược toàn diện, lâu dài và có sự phối hợp đa ngành", PGS Tuấn nói, đánh giá việc triển khai SADI-S đánh dấu bước tiến quan trọng trong điều trị béo phì tại Việt Nam, giúp người bệnh tiếp cận những phương pháp tiên tiến trên thế giới.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Lê Nga