Bị Mỹ đưa dầu thô vào tầm ngắm, xuất khẩu của một quốc gia OPEC lao dốc chỉ trong 1 tháng, khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ dần tránh xa

Admin

Mỹ đã công bố mức thuế 25% đối với những người mua dầu thô và khí đốt của quốc gia này.

Reuters trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu biển cho biết xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu của Venezuela đã giảm 11,5% trong tháng 3. Nguyên nhân là bởi Mỹ đã áp đặt mức thuế quan thứ cấp đối với bên thứ 3 và hủy bỏ các giấy phép quan trong trong lĩnh vực năng lượng, dẫn đến sự chậm trễ và đình chỉ vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể vào tuần trước, Mỹ đã công bố mức thuế 25% đối với những người mua dầu thô và khí đốt của Venezuela kể từ tuần này, đồng thời thông báo với các đối tác nước ngoài của Công ty dầu khí nhà nước PDVSA rằng họ sẽ thu hồi các giấy phép đã cấp để hoạt động và xuất khẩu từ quốc gia OPEC.

Các biện pháp này được thực hiện sau khi đình chỉ giấy phép quan trọng của US Chevron để sản xuất dầu ở Venezuela và xuất khẩu sang Mỹ - vốn là thị trường lớn thứ hai đối với dầu thô của Venezuela trong năm 2024. Bộ Tài chính đã ấn định ngày 27/5/2025 là thời hạn chót để các công ty chấm dứt hoạt động và xuất khẩu.

Lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ lên quốc gia này đã khiến lượng dầu xuất khẩu giảm 11,5% chỉ trong 1 tháng. Những người mua thường xuyên dầu thô của Venezuela ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tạm dừng một số lô hàng dự kiến cập cảng vào cuối tháng 3 và tháng 4 sau thông báo này.

Theo dữ liệu và tài liệu nội bộ của PDVSA, tổng cộng có 42 tàu rời vùng biển Venezuela vào tháng 3, chở theo 804.677 thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày, cùng 341.000 tấn sản phẩm phụ từ dầu và hóa dầu. Mức trung bình của tháng 3 thấp hơn 7,8% so với mức xuất khẩu cùng kỳ năm 2024 và là mức thấp nhất kể từ tháng 12.

Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Venezuela vào tháng 3 với 483.700 thùng/ngày, tiếp theo là Mỹ với 210.700 thùng/ngày, Ấn Độ với 60.160 thùng/ngày và Cuba với 50.130 thùng/ngày. Không có xuất khẩu dầu thô sang châu Âu trong tháng trước. Một số đối tác châu Âu của PDVSA đang lên lịch đối với những lô hàng và xác định có thể là lô hàng cuối cùng của họ.

Hai tàu đã rời khỏi vùng biển Venezuela mà không bốc hàng kể từ tháng 2 khi áp lực của Trump đối với quốc gia Nam Mỹ này gia tăng. Các tàu chở dầu khác vẫn lưu lại nhiều tuần gần các cảng của Venezuela ngay cả sau khi nhận được sự cho phép của PDVSA và chủ tàu vẫn chờ xem chính quyền ông Trump sẽ áp dụng mức thuế quan thứ cấp như thế nào.

Theo hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi dịch vụ giám sát Tankertrackers.com, tuần này có hơn 80 tàu thuyền ở trong hoặc gần vùng biển Venezuela, trong đó có 35 tàu chở hàng nhưng chưa rời đi.

Các chuyên gia cho biết nếu tiếp tục, các biện pháp của Mỹ dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu chính của Venezuela trong những tháng tới tương tự năm 2020 khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt năng lượng thứ cấp đối với quốc gia này.