Quốc gia có dân số bằng 1/10 Hà Nội vụt sáng thành cường quốc dầu mỏ mới, nhưng lại không quan tâm việc gia nhập OPEC

Admin

Phát hiện hơn 11 tỷ thùng dầu trong 2 thập kỷ qua, quốc gia Nam Mỹ này có thể đạt 157 tỷ USD doanh thu vào năm 2040.

Guyana, quốc gia Nam Mỹ đã trở thành một trong những nhà khai thác dầu thô tăng trưởng nhanh nhất thế giới kể từ khi bắt đầu khai thác dầu thương mại vào năm 2019.

2022 được xem là năm bước ngoặt để chính phủ nước này tận dụng nguồn dự trữ đầu thô khổng lồ ở ngoài khơi với doanh thu tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Doanh thu này sẽ đưa Guyana từ một nhà sản xuất tương đối nhỏ trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực dầu khí toàn cầu, củng cố vị thế đất nước như một đối thủ cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng đầu.

Hàng loạt các mỏ dầu mới được phát hiện gần đây giúp chính phủ Guyana liên tục gặt hái những thành tựu lớn với tổng doanh thu tích luỹ từ dầu mỏ có thể đạt 157 tỷ USD vào năm 2040.

Guyana được dự báo sẽ sản xuất 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2035 (chưa tính đến sản lượng chưa được khám phá ra), đưa quốc gia này lên vị trí thứ 4 trong danh sách các nhà sản xuất dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới, vượt xa Mỹ, Mexico và Na Uy.

"Guyana chỉ mới bắt đầu khai thác và kiếm tiền từ nguồn tài nguyên khổng lồ của mình. Những năm tới, họ sẽ tạo ra những cơn gió mạnh trên thị trường toàn cầu. Đất nước này đã trải qua nhiều thập kỷ khám phá và giờ là lúc gặt hái thành quả", Scheiner Parker – Phó chủ tịch cấp cao, đồng thời là người đứng đầu khu vực Latin và Caribe của Rystad Energy cho biết.

Một động thái đáng chú ý gần đây đó là Guyana đã được mời tham dự hội thảo quốc tế của OPEC vào tháng 7. Tuy nhiên, không có lời mời nào cho quốc gia Nam Mỹ trở thành thành viên của tổ chức này, Phó Tổng thống Guyan Bharrat Jagdeocho biết.

Nhà khai thác dầu non trẻ Guyana không quan tâm đến việc gia nhập Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong bối cảnh quốc gia này mong muốn nhanh chóng thúc đẩy khai thác hydrocarbon và thu hút công ty dầu khí mới.

"Chúng tôi không chính thức nhận được lời mời tham gia OPEC. Đó không phải là điều chúng tôi quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi đã được mời tham gia các cuộc họp của OPEC," ông Jagdeo nói với Reuters.

Bộ Tài nguyên của Guyana cho biết họ đã được mời tham dự cuộc họp tháng 7 tại Vienna và tham gia vào một hội đồng cấp bộ trưởng về đa dạng hóa các nền kinh tế năng lượng.

Tạp chí Phố Wall đưa tin hôm thứ Hai (26/6) rằng Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê Út, Abdulaziz bin Salman, và Haitham al-Ghais - tổng thư ký của OPEC, đã mời Guyana tham gia tổ chức này.

Guyana đang lên kế hoạch đấu giá dầu trong vòng vài tháng với hy vọng có thể thu hút các công ty dầu khí khác.

Một tập đoàn do Exxon Mobil Corp đứng đầu hiện đang kiểm soát tất cả sản lượng ngoài khơi ở Guyana theo thỏa thuận khai thác và phân chia sản phẩm, trong thỏa thuận đó Exxon quyết định tốc độ khai thác và chia sẻ một phần sản lượng với chính phủ.

"Chúng tôi cam kết phát triển một cách có trách nhiệm các nguồn tài nguyên ngoài khơi Guyana để tối đa hóa giá trị cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả chính phủ và người dân Guyana," người phát ngôn của Exxon Meghan Macdonald cho biết khi trả lời các câu hỏi về nước này và OPEC. Công ty và Guyana đang đàm phán về những khu vực ngoài khơi chưa được khám phá, sẽ được trả lại cho chính phủ.

Tham khảo: Reuters