Số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/4 cho thấy, khi đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và lúa mì là 2 mặt hàng đang chịu tác động mạnh nhất kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.
Đáng chú ý, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng và lúa mì từ Mỹ vào Trung Quốc đã giảm xuống mức 0 vào tháng 3 sau khi giảm mạnh trong 2 tháng trước đó. Tổng lượng LNG của Mỹ được giao trong quý 1 ghi nhận mức sụt giảm tới 70%. Trong khi đó, năm 2024, Mỹ chiếm 17% lượng lúa mì nhập khẩu và 5% lượng khí đốt hóa lỏng nhập khẩu của Trung Quốc.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu áp thuế nhập khẩu từ 10-15% đối với sản phẩm năng lượng nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 2/2025, và mở rộng mức thuế tương tự sang nhóm hàng nông sản kể từ tháng 3/2025. Việc nhập khẩu từ Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục giảm sau khi căng thẳng thương mại gia tăng mạnh từ đầu tháng 4, khi cả hai bên đồng loạt áp thuế vượt 100% lên hàng hóa của nhau.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác của Mỹ sang Trung Quốc cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong tháng 3. Theo đó, nhập bông của Trung Quốc từ Mỹ giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 14.000 tấn. Hay lượng ngô nhập khẩu giảm xuống dưới 800 tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Ở lĩnh vực hàng hóa khác, nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 36% xuống 1,02 triệu tấn. Than luyện kim dùng trong sản xuất thép cũng giảm 62%, còn 208.000 tấn.
Mặc dù kim loại không nằm trong danh sách hàng hóa bị áp thuế mới của Trung Quốc, nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ xem xét áp thuế đối với đồng. Điều này khiến giá đồng tại Mỹ tăng mạnh, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng trực tiếp đến nhập khẩu đồng của Trung Quốc. Kết quả là, lượng phế liệu đồng nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc giảm mạnh một nửa, chỉ còn hơn 22.000 tấn và quặng đồng cũng giảm 38%, xuống khoảng 19.000 tấn.
Có thể thấy, Trung Quốc đang giảm mạnh nhập khẩu nhiều nhóm hàng hóa từ Mỹ, trong đó, có những mặt hàng giữ vai trò quan trọng trong cán cân thương mại song phương.
Đơn cử như khí hóa lỏng - trong năm 2024, Mỹ là nguồn cung LPG lớn thứ 2 cho Trung Quốc, chiếm tới 60% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2025, Trung Quốc đã chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu LPG từ Mỹ sau khi áp mức thuế trả đũa 15% nhằm đáp trả chính sách thuế từ Mỹ. Việc ngừng nhập LPG từ Mỹ khiến nhiều lô hàng phải chuyển hướng sang các thị trường thay thế như Nhật Bản và Ấn Độ.
Năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ, chiếm gần 40% tổng xuất khẩu bông Mỹ với hơn 140.000 tấn. Tuy nhiên, đến tháng 3/2025, lượng bông xuất khẩu sang Trung Quốc lao dốc chỉ còn hơn 14.000 tấn – mức thấp nhất trong vòng 10 năm, đánh dấu sự thay đổi lớn trong thương mại bông giữa hai quốc gia.
Theo Finance Yahoo