Bài 3: Đào tạo người thầy thời đại mới: Cần hơn một tấm bằng sư phạm

Admin

(Chinhphu.vn) - PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhận định: “Thách thức lớn nhất hiện nay là xây dựng được một thế hệ giáo viên có thể thích nghi và chủ động dẫn dắt quá trình đổi mới giáo dục.” Vai trò người thầy đã vượt xa phạm vi truyền thống, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải giúp học sinh xây dựng năng lực học tập suốt đời, phát triển tư duy độc lập, cảm xúc lành mạnh và tinh thần công dân số.

Bài 3: Đào tạo người thầy thời đại mới: Cần hơn một tấm bằng sư phạm- Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhận định: “Thách thức lớn nhất hiện nay là xây dựng được một thế hệ giáo viên có thể thích nghi và chủ động dẫn dắt quá trình đổi mới giáo dục” - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Đổi mới từ giảng đường đến thực tiễn

Để đáp ứng yêu cầu mới của thời đại, các trường sư phạm đang nỗ lực chuyển mình. Một trong những thay đổi nổi bật là chương trình đào tạo ngày càng gắn với thực tiễn và chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất nghề nghiệp.

Thực hành sư phạm từ sớm là bước chuyển quan trọng. Nếu như trước đây sinh viên sư phạm chỉ đi thực tập vào năm cuối, thì nay nhiều trường cho phép thực hành ngay từ năm hai. Việc tiếp xúc lớp học sớm giúp sinh viên sớm “hội nhập nghề nghiệp”, kết nối nhanh giữa lý thuyết và thực tế, đồng thời nâng cao khả năng xử lý tình huống sư phạm ngay khi đang còn là sinh viên.

Song hành với chuyên môn, các trường cũng tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức người thầy. Tại Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG HN), học phần Đạo đức nghề nghiệp được triển khai liên tục suốt 8 kỳ, kết hợp giữa học lý thuyết và tham gia công tác Đoàn – Hội, phục vụ cộng đồng, tổ chức seminar chuyên môn… giúp sinh viên rèn luyện trách nhiệm xã hội và tinh thần dẫn dắt.

Đặc biệt, một số trường đã đổi mới hình thức khóa luận tốt nghiệp, yêu cầu sinh viên vừa thiết kế bài giảng, vừa thực hiện nghiên cứu khoa học giáo dục. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, điều này nhằm chuẩn bị cho sinh viên khả năng tư duy phản biện, nghiên cứu và giải quyết vấn đề – những năng lực thiết yếu của người thầy thời hiện đại. 

Bài 3: Đào tạo người thầy thời đại mới: Cần hơn một tấm bằng sư phạm- Ảnh 2.

AI không phải mối đe dọa, mà là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc chấm bài, phân tích kết quả học tập, cá nhân hóa việc dạy và học.

Sự bùng nổ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại triết lý đào tạo giáo viên. Từ kỹ năng sử dụng bảng đen – phấn trắng, người thầy hôm nay phải thành thạo công cụ số, thiết kế bài giảng điện tử, tổ chức lớp học ảo và ứng dụng AI trong dạy học.

Ngay trong chương trình sư phạm, sinh viên đã được làm quen với thiết kế học liệu số, phần mềm tương tác, hệ thống quản lý học tập (LMS), công cụ dạy học bằng slide, video, bảng điện tử… "Giáo viên không thể chỉ dạy theo kiểu truyền thụ. Họ phải hiểu về AI, biết dùng công nghệ để thiết kế bài giảng, đồng thời truyền được cách học – thứ mà khi học sinh học được rồi, họ sẽ mang theo suốt đời", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng phản ánh triết lý đào tạo mới: “Không sợ AI thay thế người thầy. Chỉ sợ người thầy không biết dùng AI để làm cho mình tốt hơn.” Theo đó, AI không phải mối đe dọa, mà là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc chấm bài, phân tích kết quả học tập, cá nhân hóa việc dạy và học. Người thầy thời đại số cần biết kết hợp công nghệ với sự thấu hiểu tâm lý, cảm xúc học trò – điều mà không thuật toán nào thay thế được. 

Bài 3: Đào tạo người thầy thời đại mới: Cần hơn một tấm bằng sư phạm- Ảnh 3.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, người thầy thời nay phải đa năng – vừa là giáo viên, nhà tâm lý, chuyên viên công nghệ, vừa là người truyền cảm hứng và học tập suốt đời - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Liên ngành hóa: Mở rộng vai trò nhà giáo

Một điểm nhấn trong đào tạo sư phạm hiện nay là xu hướng liên ngành hóa. Các trường không chỉ đào tạo giáo viên dạy theo môn học truyền thống mà mở rộng sang những lĩnh vực giao thoa giữa giáo dục, công nghệ và tâm lý học.

Tham vấn học đường (tư vấn tâm lý cho học sinh) được thiết kế chuyên sâu, bài bản. PGS.TS Trần Thành Nam cho biết trường đại học của ông đã xây dựng chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học với định hướng "Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên", cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ học sinh xử lý những vấn đề về hành vi, cảm xúc và các mối quan hệ xã hội ở lứa tuổi học trò. Thực tiễn cuộc sống ngày nay đòi hỏi người thầy không chỉ đứng lớp truyền thụ kiến thức, mà còn có thể là nhà tâm lý, chuyên gia tư vấn đồng hành cùng học sinh, góp phần cá nhân hóa việc giáo dục từng em.

Song song với đó, các chương trình về Công nghệ giáo dục cũng phát triển mạnh. Giáo viên tương lai được học cách thiết kế học liệu số, xây dựng lớp học thông minh, ứng dụng phần mềm giáo dục, thực hành với công nghệ mô phỏng VR/AR… Một số trường còn hợp tác với các khoa công nghệ thông tin để đào tạo chuyên viên công nghệ giáo dục – những người vừa am hiểu sư phạm, vừa có khả năng xây dựng giải pháp công nghệ trong giáo dục.

Tất cả những đổi mới này không chỉ mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm, mà còn định hình chân dung người thầy đa năng – vừa là giáo viên, nhà tâm lý, chuyên viên công nghệ, vừa là người truyền cảm hứng và học tập suốt đời.

Rõ ràng, điều làm nên giá trị của một người thầy ngày nay là sự hội tụ của nhiều yếu tố: Kiến thức liên ngành, kỹ năng sư phạm vững vàng, am hiểu tâm lý học sinh, và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt.

Từ những thay đổi tưởng như lặng lẽ trong hệ thống đào tạo, một thế hệ giáo viên mới đang hình thành – thế hệ không đứng ngoài dòng chảy của chuyển đổi số và đổi mới giáo dục. Họ tự tin đảm nhiệm nhiều vai trò trong lớp học và sẵn sàng học hỏi để không ngừng nâng cao năng lực. Những cải tiến bền bỉ trong đào tạo sư phạm hôm nay chính là lời khẳng định: Nghề giáo vẫn đang tiến về phía trước, đồng hành cùng tương lai./. 

Tuệ Lâm

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tuyển sinh sư phạm 2025: Lọc người bằng năng lực, giữ người bằng lý tưởngTuyển sinh sư phạm 2025: Lọc người bằng năng lực, giữ người bằng lý tưởng