Trong nhiều gia đình, thường người chồng sẽ lo kinh tế còn vợ đảm nhiệm chính vai trò chăm con, chăm sóc tổ ấm. Chính vì thế mà sau khi sinh con, nhiều phụ nữ lựa chọn ở nhà làm mẹ toàn thời gian, tạm gác sự nghiệp cá nhân sang một bên. Tuy nhiên, khi bước vào hành trình này, không ít người nhận ra làm mẹ là công việc thực sự rất khó, vậy nên họ rất cần được san sẻ, được hỗ trợ để trở nên dễ dàng và hạnh phúc hơn, đặc biệt là sự đồng hành từ người chồng “đầu ấp tay gối”. Nhưng thực tế, không phải ông chồng nào cũng đủ tinh tế nhận ra điều này.
Gần đây, có một câu chuyện được chia sẻ bởi một ông bố trẻ về vấn đề trên đã trở nên viral trên khắp diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc, và nhận về nhiều lượt tương tác. Cụ thể, người bố đã kể lại tình huống xảy ra trong chính gia đình mình.
Theo đó anh cho biết, vợ anh làm mẹ toàn thời gian, còn anh là trụ cột lo kinh tế gia đình. Bao lâu nay, mọi chuyện trong nhà vẫn yên ổn, và chưa bao giờ anh nghe vợ phàn nàn gì về chuyện ở nhà chăm con. Công việc của anh khá bận rộn, hay đi công tác và tăng ca. Thế nên những vấn đề trong gia đình đều do một tay vợ quán xuyến.
Bởi vì vợ anh không ý kiến gì nên anh mặc định cô có thể một mình lo được tất cả. Nào ngờ chuyện không như anh nghĩ, cho đến thời gian gần đây, anh phát hiện vợ mình liên tục rơi vào trạng thái đờ đẫn, mệt mỏi, làm gì cũng quên trước quên sau. Nhưng khi hỏi thăm thì vợ lại chối, bảo rằng bản thân vẫn ổn, chắc là vì cô không muốn chồng phân tâm, lo lắng để anh tập trung công việc.
Linh cảm mách bảo có chuyện gì đó chẳng lành mà vợ đang cố tình giấu diếm, người chồng đã lén đặt camera trong nhà. Và rồi ngày hôm đó, khi anh kiểm tra camera, toàn bộ sự thật đã được phơi bày, diễn biến xảy ra ở phòng khách lúc vợ đang chăm con trai nhỏ khiến anh xem mà đau lòng không tả nỗi.
Vợ anh vì vừa chăm con, vừa lo chuyện nhà cửa nên dường như đã cạn kiệt sức lực, đến mức khi đang ngồi chơi với con, cô liên tục nằm gục xuống, đầu tóc thì bù xù trông cực kỳ mệt mỏi và nhếch nhác. Lúc này, người chồng mới hối hận nhận ra vợ mình ở nhà chăm con cực khổ đến nhường nào, vậy mà bấy lâu nay bản thân không hề hay viết nên không hỗ trợ được gì cả.
Hầu hết các bà mẹ đều phải đối mặt với cảm giác mệt mỏi và căng thẳng, khi gánh nặng chăm sóc trẻ nhỏ đổ lên vai họ. Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý và cảm xúc. Họ phải thức khuya dậy sớm, đôi khi không có thời gian nghỉ ngơi, và phải đối mặt với những cơn khóc bất tận của trẻ. Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là từ người chồng, cảm giác mệt mỏi sẽ càng trở nên nặng nề.
Trong bối cảnh đó, vai trò của người chồng trở nên cực kỳ quan trọng. Để giảm bớt gánh nặng cho vợ, người chồng cần hiểu và cảm thông cho những khó khăn mà vợ đang trải qua. Sự chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái không chỉ giúp vợ cảm thấy bớt cô đơn trong cuộc chiến hàng ngày mà còn tạo ra một môi trường sống tích cực hơn cho cả gia đình.
Người chồng không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là người bạn đồng hành, sẵn sàng cùng vợ vượt qua những thử thách trong hành trình làm cha mẹ. Khi người chồng thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ, đó không chỉ là cách thể hiện tình yêu thương mà còn là một cách để xây dựng mối quan hệ vững bền hơn trong gia đình.
Ngoài ra, với các bà mẹ quan tâm lo lắng cho con cái nhưng cũng cần chú ý đến sức khỏe cơ thể mình. Có sức khỏe tốt mới chăm lo cho con cái được tốt hơn.
1. Tận dụng thời gian rảnh để ngủ
Sau khi sinh con, thời gian ngủ của mẹ bị thiếu hụt rất nhiều. Chính vì thế khi con ngủ, điều mẹ cần làm là cũng phải ngủ. Ngay cả khi mẹ không thể ngủ, mẹ cũng cần nhắm mắt nghỉ ngơi để thư giãn.
2. Nhờ sự hỗ trợ của người thân
Mẹ có thể tìm người thân trong gia đình để chia sẻ áp lực. Khi chồng đi làm về, chồng có thể làm một số việc nhà để giảm bớt gánh nặng cho vợ. Ngoài ra nếu ông bà có thể giúp đỡ được thì đừng từ chối vì chí ít họ cũng có thể giúp một số công việc vặt trong nhà để mẹ nghỉ ngơi.
Khi người mẹ cảm thấy không thể chịu đựng được, nhất định phải lên tiếng, bằng không sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân, nguy hiểm hơn là gây mất hòa khí trong gia đình và ảnh hưởng tới chất lượng nuôi dạy con.