Bệnh tiểu đường type 1 là tình trạng tự miễn dịch mạn tính do tuyến tụy bị tổn thương, dẫn đến các vấn đề về sản xuất insulin. Bệnh thận mạn tính (CKD) do bệnh tiểu đường type 1 gây ra còn được gọi là bệnh thận tiểu đường. Đây là biến chứng phổ biến tiến triển dần trong quá trình mắc bệnh tiểu đường type 1.
Thận có chức năng lọc các chất thải từ máu và chuyển chúng vào nước tiểu để loại bỏ khỏi cơ thể. Song ở người bệnh tiểu đường type 1, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các tế bào trong thận, khiến chúng lọc máu không hiệu quả. Điều này có thể làm mất protein vào nước tiểu, gây ra tình trạng gọi là vi niệu đạm. Khi tổn thương thận tiến triển, các chức năng thiết yếu của thận suy giảm, chất thải tích tụ trong cơ thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh lượng đường trong máu cao, các yếu tố khác góp phần gây ra bệnh thận tiểu đường, bao gồm huyết áp cao và tiền sử gia đình mắc bệnh. Bệnh thận tiểu đường thường không gây ra triệu chứng cho đến khi CKD tiến triển đến giai đoạn nặng hơn. Các triệu chứng có thể bao gồm nước tiểu có bọt, chán ăn, đau bụng, cơ thể yếu, khó tập trung, khó ngủ, sưng ở chân. Mệt mỏi, khó thở và tiểu máu cũng có thể xảy ra khi CKD tiến triển.
Người bệnh tiểu đường nên đến bác sĩ để được hướng dẫn ngăn ngừa và kiểm soát CKD cũng như các biến chứng khác có thể xảy ra. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thận do tiểu đường bằng cách kết hợp xét nghiệm nước tiểu và máu. Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện protein dư thừa do các vấn đề về thận. Xét nghiệm máu có thể xác định các chất thải tích tụ trong máu. Bất kỳ ai bị tiểu đường nên thực hiện các xét nghiệm này thường xuyên để sớm phát hiện vấn đề về thận trước khi tình trạng tiến triển đến giai đoạn nặng hơn như bệnh thận giai đoạn cuối hoặc suy thận.
Hiện tại không có cách điều khỏi CKD, bởi thận đã tổn thương không thể hồi phục. Với người bệnh thận do tiểu đường, mục tiêu điều trị là ngăn ngừa tổn thương thận tiến triển, giảm nguy cơ biến chứng do CKD chẳng hạn bệnh tim. Điều trị bệnh thận do tiểu đường hiệu quả nhất ở giai đoạn đầu, trước khi bắt đầu có các triệu chứng. Trường hợp bệnh thận tiểu đường tiến triển nặng, người bệnh có thể cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống, do thận không còn hoạt động.
Theo nghiên cứu từ năm 2021 tại Hong Kong trên hơn 7.000 người, bệnh thận do tiểu đường có thể gây tử vong sớm. Khoảng 40% bệnh nhân tiểu đường type 1 có thể bị tổn thương thận ở giai đoạn nặng trong vòng 10-30 năm.
Kiểm soát bệnh tiểu đường có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận và các biến chứng liên quan khác. Ngoài thuốc điều trị bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc điều trị huyết áp, giảm ăn muối, hạn chế lượng protein dư thừa, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng, tránh rượu bia.
Huyết áp cao là biến chứng khác liên quan đến bệnh tiểu đường type 1 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận tiểu đường. Ngoài xét nghiệm nước tiểu và máu, bác sĩ có thể theo dõi huyết áp để kiểm soát dưới 140/90 mm Hg hoặc dưới 130/80 mm Hg. Người bệnh có thể cần tránh dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) vì gây hại cho thận.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |