Hà Nội bảo tồn, lưu giữ nhiều nguồn gen quý

Admin

(Chinhphu.vn) – Trong những năm qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen sen Tây Hồ, đào Nhật Tân, các giống lan quý của Hà Nội, xây dựng các vườn cây đầu dòng để bảo tồn và nhân giống bưởi…

Hà Nội bảo tồn, lưu giữ nhiều nguồn gen quý- Ảnh 1.

Sen Hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gene đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn - Ảnh minh họa

Theo Sở KH&CN TP. Hà Nội, giai đoạn từ 2015-2023, Sở đã tham mưu trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt và giao cho các tổ chức chủ trì thực hiện 50 nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN liên quan đến bảo tồn, khai thác nguồn gen, trong đó có 40 nhiệm vụ đã được nghiệm thu và 10 nhiệm vụ đang triển khai.

Kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN đã cung cấp cơ sở khoa học, là bước mở đầu để các địa phương, ngành nông nghiệp Thủ đô thực hiện công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nhiều nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc sản hoặc nguồn gen mới có giá trị vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Trong đó có thể kể đến việc các nhà khoa học đã điều tra, thu thập tài liệu và nghiên cứu 15 giống Địa lan Kiếm tại các vườn lan của các nhà vườn ở Hà Nội. Đây là những loài Địa lan Kiếm được thuần hoá và nuôi dưỡng từ rất lâu đời. Từ đó, đã tiến hành tư liệu hóa các giống và đăng ký thành công marker phân tử nhận dạng cho 7 giống địa lan Kiếm của Hà Nội trên ngân hàng gen thế giới.

Hay năm 2015, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ NN&PTNT) thực hiện nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen sen Tây Hồ.

Kết quả đã thu thập kiến thức bản địa về sản xuất sen Tây Hồ; bảo tồn chuyển vị nguồn gen cây sen Tây Hồ tại Ngân hàng gen cây trồng của Bộ NN&PTNT với quy mô 500m2; đồng thời đánh giá và tư liệu hóa một số đặc tính sinh học nguồn gen cây sen Tây Hồ; xây dựng quy trình nhân giống và canh tác sen Tây Hồ; xác định dấu chuẩn phân tử đặc trưng cho giống sen Tây Hồ và đăng ký tại ngân hàng gen thế giới…

Trong giai đoạn 2016 - 2023, để phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Phát triển nông nghiệp xây dựng, duy trì được vườn cây đầu dòng giống bưởi đỏ Tân Lạc (36 cây) và 4 cây bưởi Diễn đầu dòng.

Đây là nguồn cung cấp mắt ghép phục vụ cho việc nhân giống cây bưởi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng bưởi.

Điều này đã góp phần đưa bưởi trở thành sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Thành phố, diện tích bưởi của Hà Nội đến năm 2023 đạt khoảng 7.600 ha, trong đó chủ lực là bưởi Diễn tập trung phát triển tại các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn; bưởi đỏ Tân Lạc tập trung phát triển tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ…

Ngoài ra, với nỗ lực bảo tồn và lưu giữ nguồn gen các loại động vật hoang dã, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện đề án bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội; bảo tồn và phục hồi các loài linh trưởng quý hiếm ở rừng đặc dụng Hương Sơn, Mỹ Đức…

Theo báo cáo đánh giá giai đoạn 2015-2024, nhiều hoạt động cụ thể được triển khai, mang lại những kết quả tích cực như: Điều tra và xác định thành phần các loài chim hoang dã ở bãi giữa, bãi bồi sông Hồng; đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển các loài chim hoang dã; tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN về Quỹ gen cấp thành phố còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa xây dựng được cơ chế, chính sách rõ ràng về việc lưu trữ nguồn gen sau khi kết thúc nghiên cứu KH&CN; việc giao quyền sở hữu và sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước chưa thực hiện được, do chưa có hướng dẫn về thủ tục...

Hiện nay, trong quá trình chờ hướng dẫn, Sở KH&CN TP. Hà Nội đang thực hiện việc xác định các nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen lồng ghép trong công tác xác định nhiệm vụ KH&CN hàng năm.

Do đó, TP. Hà Nội đề xuất Bộ KH&CN phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương về cơ chế và giải pháp cụ thể để giao lại các địa phương thực hiện lưu trữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen của địa phương.

Trong thời gian tới, Sở KH&CN TP. Hà Nội sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xác định và triển khai các nhiệm vụ về khai thác phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị cao, có tiềm năng phát triển phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội. Việc này không chỉ giúp bảo tồn các loại đặc sản của địa phương, mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa cho giá trị kinh tế cao cho Thủ đô.

Lê Ngọc

Tham khảo thêm
Hà Nội nhân rộng nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế caoHà Nội nhân rộng nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao