Bắc Giang thu hơn 5.700 tỷ đồng nhờ vải thiều giá cao kỷ lục

Admin

Mùa vải năm 2024, do thời tiết bất lợi nên sản lượng vải dự kiến đạt khoảng gần 100.000 tấn, bằng 50% so với năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vải thiều cao nên người dân vẫn có lãi.

Vụ vải thiều Bắc Giang thu hơn 5.700 tỷ đồng

Theo Sở Công Thương, mùa vải năm 2024, do thời tiết bất lợi nên sản lượng vải đạt khoảng gần 100 nghìn tấn, bằng 50% so với năm ngoái. Tuy nhiên giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp đôi thậm chí gấp 3 lần so với năm 2023. Giá vải thiều dao động từ 55 - 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Tính đến hết ngày 24/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 85,7 nghìn tấn vải, trong đó, các địa phương tiêu thụ hơn 47,6 nghìn tấn vải chín sớm, 38,1 nghìn tấn vải chính vụ. Lục Ngạn là địa phương có tổng sản lượng vải thiều lớn nhất tỉnh, tiêu thụ gần 53 nghìn tấn vải.

Vải thiều của tỉnh được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 24,7 nghìn tấn, chiếm trên 28,9% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa đạt hơn 60,9 nghìn tấn, chiếm trên 71%.

Cũng do giá vải tăng nên sản lượng xuất khẩu đến các thị trường năm nay giảm mạnh. Đến ngày 24/6, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 24,5 nghìn tấn; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn và các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn.

Được biết, giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 5.775 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.814 tỷ đồng; doanh thu từ xuất khẩu đạt 1.670 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều đạt 1.392 tỷ đồng.

Trao đổi với báo Chính Phủ, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết hiện tỉnh Bắc Giang đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 17.200 ha và 40 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu, thời gian thu hoạch vải thiều bắt đầu từ 20/5 và kết thúc cuối tháng 7/2024.

Theo ông Tấn, với sự chủ động vào cuộc từ sớm của các cơ quan chức năng, năm nay việc ùn tắc cục bộ tại hai cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và Kim Thành, tỉnh Lào Cai đã không xảy ra.

Tuy nhiên, để quả vải tiếp tục được xuất khẩu đến được nhiều thị trường trên thế giới với số lượng cao hơn. Tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Tấn cũng kiến nghị Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các Sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Tiếp tục hỗ trợ, mời gọi các kênh phân phối, các Tập đoàn bán lẻ của các nước đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải.

Bên cạnh đó, định hướng thông tin các chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... của thị trường các nước đối với vải thiều, các sản phẩm chế biến từ vải cũng như triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội.

Tiêu dùng & Dư luận - Bắc Giang thu hơn 5.700 tỷ đồng nhờ vải thiều giá cao kỷ lục

Giá vải thiều tăng cao. Ảnh minh họa.

Sản phẩm "vải thiều Lục Ngạn" đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao

"Vải thiều Lục Ngạn” của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) là một trong 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp T.Ư năm 2024 chấm điểm ngày 25/6.

4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao đợt này gồm: Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia (Hải Dương); trái sầu riêng cấp đông (Bến Tre); gia vị hoàn chỉnh (Thừa Thiên - Huế).

Theo đánh giá của Hội đồng, sản phẩm “Vải thiều Lục Ngạn” của HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân đạt trên 90 điểm; có tiêu chuẩn chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nga.

HTX có gần 20 thành viên chính thức và hơn 100 thành viên liên kết. Toàn bộ diện tích vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Năm 2023, sản lượng vải thiều của HTX đạt hơn 2 nghìn tấn, việc tiêu thụ thuận lợi. Đây là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Bắc Giang.

Theo Nghị quyết số 67/2023/NQ-HĐND tỉnh Bắc Giang ngày 13/12/2023 quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng.

Trúc Chi (t/h)