Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP Nghệ An

Admin

Mặc dù có nhiều thế mạnh nhưng nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Nghệ An hiện có 567 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn tỉnh hiện có 567 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.

Trong đó, có 529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao và 2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận.

Sự phát triển của các sản phẩm OCOP đã gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, Gừng Kỳ Sơn; Gà đồi Thanh Chương, Gạo Vĩnh Hòa, Lạc Diễn Châu...

Tiêu dùng & Dư luận - Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP Nghệ An

Chè tâm sen của Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một trong những sản phẩm 4 sao.

Doanh thu của các sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên hàng năm tăng khoảng 8,0%. Đến nay, có 94/562 sản phẩm OCOP đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng, hệ thống các cửa hàng thực phẩm, bách hóa, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm OCOP chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định, như: Sản phẩm chè búp có thị trường ổn định tại các nước Tây Á; sản phẩm nước mắm tiêu thụ tại thị trường Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số sản phẩm đã xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có 266.373 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử; 300.047 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng; 8.836 sản phẩm được đưa lên sàn, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát huy vai trò lao động nữ và lao động đồng bào dân tộc thiểu số.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Tiêu dùng & Dư luận - Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP Nghệ An (Hình 2).

 Đây là một trong những sản phẩm thu hút được sự chú ý của khách du lịch nước ngoài.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 36 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn 11 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2025 là gần 65 tỷ đồng.

Tổng số hộ dân tham gia trong các dự án/kế hoạch liên kết là gần 14.000 hộ, tổng quy mô thực hiện liên kết là gần 3.900 ha. Một số đơn vị đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất và thực hiện rất tốt khâu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch...

“Tuy nhiên, nhiều sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa được khai thác và đăng ký tham gia, có khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại. Nhiều sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu...”, ông Lợi thông tin.

Cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

Trước những khó khăn trên, sáng 27/6, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo “Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2024”.

Tiêu dùng & Dư luận - Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP Nghệ An (Hình 3).

Hội thảo “Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An”.

Về việc này, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị một số giải pháp. Trong đó, để phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, các huyện, thành, thị của tỉnh Nghệ An cần quy hoạch vùng nguyên liệu để các sản phẩm đều truy xuất được vùng nguyên liệu; có những chính sách hỗ trợ xây dựng các sản phẩm tiểu thụ công nghiệp; Tăng cường tính liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho các chủ thể của chương trình, cần tăng cường liên kết trong quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP; Cần kích thích, thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

“Mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm OCOP có giá trị cao về kinh tế, xã hội, văn hóa, đưa các sản phẩm OCOP vào làm quà tặng...”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

Tiêu dùng & Dư luận - Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP Nghệ An (Hình 4).

Nghệ An vươn lên đứng thứ 2 cả nước với 567 sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Tiêu dùng & Dư luận - Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP Nghệ An (Hình 5).

Tuy nhiên, hầu hết chủ thể sản xuất ở tầm quy mô nhỏ, đây là rào cản lớn trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, cần làm thay đổi căn bản nhận thức cho người dân, chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và xác định vai trò quan trọng của liên kết sản xuất.

Đặc biệt, cần quan tâm các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái được phát triển theo định hướng Chương trình OCOP để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Đồng thời, cần phải rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách được ban hành; khuyến khích các hộ nông dân tự nguyện hợp tác và cùng có lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tích hợp, tập trung ruộng đất để sản xuất, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.