Dù đã được bán toàn cầu từ 20/9, iPhone 16 vẫn đang bị cấm kinh doanh tại thị trường Indonesia do không đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 35-40%. Apple từng nhận chứng chỉ, nhưng hiện đã hết hạn.
Đầu tháng 11, Apple được cho là đã đề xuất chi 10 triệu USD để hợp tác với một công ty nội địa xây nhà máy sản xuất phụ kiện cho thiết bị của hãng. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết họ vẫn chưa thuyết phục được chính quyền Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm.
Do đó, theo Bloomberg, Apple đã nâng mức đầu tư lên gần 100 triệu USD, phân bổ trong hai năm tới. Bộ Công nghiệp Indonesia chưa đưa ra quyết định, nhưng yêu cầu Apple mô tả chi tiết kế hoạch đầu tư của hãng, tập trung vào R&D và phát triển smartphone trong nước, thay vì chỉ thành lập học viện.
Nỗ lực gần đây của lãnh đạo Apple trong việc gặp Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita ở Jakarta được cho là cũng không thành công, khi họ được tiếp bởi một tổng cục trưởng.
Indonesia cấm bán iPhone 16 từ tháng 10 sau khi xác định Apple không đáp ứng điều kiện nội địa hóa smartphone. Chính phủ nước này cũng cho biết Apple mới đầu tư tổng cộng 1,5 nghìn tỷ rupiah (95 triệu USD) thông qua thành lập các học viện dành cho nhà phát triển, chưa đạt cam kết 1,7 nghìn tỷ rupiah (109,6 triệu USD) trước đó.
Theo GSMArena, Indonesia là thị trường quan trọng của Apple, với dân số 280 triệu và 354 triệu điện thoại di động đang hoạt động. Khoảng 9.000 chiếc iPhone 16 đã được nhập vào Indonesia thông qua đường "xách tay". Tuy nhiên, thiết bị "lậu" cũng có thể bị xem xét vô hiệu hóa.
Đầu tháng 11, nước này cũng cấm điện thoại Google Pixel với lý do không đáp ứng yêu cầu nội địa hóa, tương tự Apple.
Huy Đức