Đột quỵ xuất huyết não là tình trạng một hoặc nhiều mạch máu trong não bị vỡ gây chảy máu. Tình trạng giảm hoặc gián đoạn lưu lượng máu đến các vùng não liên quan, khiến cơ quan này thiếu oxy. Lượng máu chảy ra nhu mô não làm tổn thương hoặc phá hủy chúng.
Bác sĩ Phan Vân Đình, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối máu tụ càng để lâu, mức độ chèn ép, phóng thích các phản ứng viêm bất lợi, gây tổn thương các mô não lành càng tăng.
Bệnh nhân cần được cấp cứu phẫu thuật lấy khối máu tụ, giải áp và cầm máu trong thời gian "vàng" 6-8 giờ đầu. Một số trường hợp có thể mở rộng lên 24 giờ đầu hoặc hơn để hạn chế tối đa các di chứng. Tùy thuộc vào độ rộng, nặng của vùng não bị tổn thương sau cơn đột quỵ, di chứng sẽ khác nhau.
Theo bác sĩ Đình, các di chứng sau đột quỵ có thể được phục hồi theo thời gian (ngoại trừ các tổn thương vĩnh viễn), nếu người bệnh kiên trì thực hiện những phương pháp điều trị chuyên biệt. Thời gian phục hồi tốt nhất các di chứng là khoảng 3-6 tháng sau đột quỵ.
Yếu liệt nửa người: Mỗi bán cầu não điều khiển một nửa cơ thể ở phía đối diện. Xuất huyết não xảy ra ở phần não phải thì người bệnh có nguy cơ liệt nửa người bên trái và ngược lại. Yếu liệt nửa người có thể đi kèm dấu hiệu tê yếu tay không thể cầm nắm, miệng méo, chân bước không đều, mắt sụp, nhìn mờ hoặc mất thị lực...
Di chứng này có khả năng phục hồi hoặc cải thiện bằng cách điều trị nội khoa, kết hợp tập phục hồi chức năng và các phương pháp vật lý trị liệu. Trong đó, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ tạo ra từ trường mạnh và ngắn hạn có khả năng xuyên qua da và hộp sọ để tác động trực tiếp đến vùng vỏ não. Từ đó, tạo ra những thay đổi về sóng điện và chức năng của mạng lưới thần kinh, thúc đẩy phục hồi chức năng vận động của người bệnh sau đột quỵ.
Không tự chủ đại tiểu tiện: Đột quỵ gây tổn thương, làm giảm hoặc mất chức năng vùng não điều khiển cơ bàng quang và ruột, khiến người bệnh không kiểm soát được chức năng đại tiện hoặc tiểu tiện. Để cải thiện di chứng này, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng với chế độ chuyên biệt, duy trì cân nặng hợp lý, thực hiện các bài tập kiểm soát cơ sàn chậu, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Rối loạn ngôn ngữ: Dây thần kinh số 7 có nguy cơ bị tổn thương, sau đột quỵ, khiến miệng méo hoặc lệch nửa mặt. Các cơ vận động vùng miệng và cổ họng giảm hoặc mất kiểm soát, làm rối loạn ngôn ngữ với mức độ từ nhẹ đến nặng. Biểu hiện có thể khác nhau ở từng bệnh nhân như nói ngọng, nói lắp, khó khăn trong việc diễn đạt...
Chứng rối loạn ngôn ngữ ở bệnh nhân sau đột quỵ xuất huyết não thường mất nhiều thời gian để phục hồi. Người bệnh nên tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ có thể hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng ngôn ngữ.
Rối loạn tâm lý: Bệnh nhân sau đột quỵ có thể xuất hiện tâm lý tự ti, mặc cảm, căng thẳng, lo âu, dễ dẫn đến trầm cảm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn giấc ngủ, sức khỏe suy giảm, khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân, áp lực kinh tế hoặc hạn chế giao tiếp xã hội hơn trước... Người bệnh cần sự quan tâm và hỗ trợ từ người thân cùng cộng đồng giúp giải tỏa tâm lý, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi.
Rối loạn hô hấp: Xuất huyết não có thể làm gián đoạn các đường dẫn truyền hô hấp, gây ra các vấn đề như suy hô hấp, tụt lưỡi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Bệnh nhân sau đột quỵ xuất huyết não thường được hướng dẫn các bài tập hô hấp, nuốt, hít thở sâu để cải thiện chức năng hô hấp, phòng tránh viêm phổi.
Rối loạn nhận thức: Biểu hiện của rối loạn nhận thức có thể khác nhau, mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tốc độ hồi phục của từng bệnh nhân. Điển hình như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, lơ mơ không tỉnh táo, không nhận biết được người thân và gia đình. Theo bác sĩ Đình, rối loạn nhận thức là di chứng nặng nề nhất do đột quỵ, tiên lượng khả năng phục hồi thường không cao.
Bác sĩ Đình cho biết khi đột quỵ xảy ra, mỗi giây trôi qua có đến 32.000 tế bào não chết đi vĩnh viễn và trong 59 giây sau đột quỵ, não bộ mất 1,9 triệu tế bào. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh đột quỵ xuất huyết não có nguy cơ tử vong cao hoặc mang di chứng nặng nề.
Người có dấu hiệu nghi ngờ như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói đớt, đau đầu, mờ mắt... cần được đưa đến các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất hoặc gọi ngay cho tổng đài cấp cứu 115 để được hỗ trợ kịp thời, tránh để lâu nguy hiểm.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |