6 dấu hiệu của cha mẹ ái kỷ làm tổn thương con cái

Admin

Cha mẹ ái kỷ thường gặp khó khăn trong việc cho phép con được là chính mình hoặc làm điều con muốn. Đây là một trong những cách nuôi dạy con độc hại nhất, gây ra tổn thương cho trẻ.

cha me ai ky anh 1

Theo TS Ramani Durvasula, giáo sư Tâm lý học tại ĐH California ở Los Angeles (Mỹ), cha mẹ ái kỷ (chứng yêu bản thân thái quá - PV) thường thiếu những yếu tố nuôi dạy con thành công, chẳng hạn sự tự nhận thức, lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn và đồng cảm. Con cái của cha mẹ ái kỷ lớn lên có thể tự đổ lỗi, tự nghi ngờ và cảm giác không đủ. Viết trên CNBC, TS Ramani Durvasula chỉ ra 6 đặc điểm độc hại của cha mẹ ái kỷ. Ảnh: Freepik.

cha me ai ky anh 2

1. Khen ngợi trước mặt, chê bai sau lưng: Cha mẹ ái kỷ có thể là người luôn thể hiện sự ủng hộ, cổ vũ con cái trong một cuộc thi hay những trận bóng đá. Nhưng về nhà, họ có thể dùng những lời lẽ cay nghiệt, khiến con cái cảm thấy không đủ tốt và luôn phải cố gắng để đạt được sự hài lòng của cha mẹ như “Tại sao con không cố gắng hơn?", "Con có thể ghi thêm hai bàn thắng!”... Sự mâu thuẫn trong cách hành xử của cha mẹ khiến trẻ hoang mang, không biết đâu mới là tình yêu thương thật sự. Ảnh: Freepik.

cha me ai ky anh 3

2. Tạo ra sự chia rẽ: Để củng cố vị thế của mình, cha mẹ ái kỷ thường lợi dụng sự tin tưởng của con cái. Họ chia sẻ những bí mật gia đình, tạo ra cảm giác đặc biệt cho một đứa trẻ, nhưng thực chất là để tạo ra sự cạnh tranh và phân biệt giữa những người thân. Bằng cách này, họ khiến con cái nghi ngờ về những người thân khác trong gia đình và chỉ đặt niềm tin vào cha mẹ. Ảnh: Freepik.

cha me ai ky anh 4

3. Đặt cảm xúc của bản thân lên trước: Cha mẹ ái kỷ thường bộc lộ cảm xúc tức giận, hung hăng khi họ cảm thấy thất vọng, bực bội. Nếu cho rằng con cái đang chống đối, họ có thể phản ứng theo cảm xúc như la hét, nổi cơn thịnh nộ đột ngột, nghiêm trọng hơn là bạo lực. Trong khi đó, họ lại không tôn trọng cảm xúc của con cái, dễ dàng khó chịu với cảm xúc của chúng. Những ông bố bà mẹ ái kỷ phủ nhận cảm xúc của trẻ, khiến con cảm thấy xấu hổ bằng cụm từ như “đó không phải là vấn đề lớn, hãy vượt qua chính mình”, “đừng khóc, hãy cứng rắn lên”... Ảnh: Freepik.

cha me ai ky anh 5

4. Coi con cái như một phần bản sao của mình: Cha mẹ ái kỷ thường xem con cái như vật sở hữu để họ kiểm soát và định hình theo ý muốn của mình. Nếu đứa trẻ làm những gì cha mẹ muốn chúng làm, đứa trẻ đó sẽ được khen ngợi và đánh giá cao. Nếu không, chúng có thể bị bỏ qua hoặc bị chỉ trích. Bất cứ hành vi nào của con cái mà không phù hợp với kỳ vọng của họ đều bị coi là sự phản kháng và sẽ bị trừng phạt. Để được cha mẹ yêu thương và chấp nhận, nhiều trẻ em đã buộc phải từ bỏ bản thân và làm theo những gì cha mẹ muốn. Ảnh: Freepik.

cha me ai ky anh 6

5. Phủ nhận nhu cầu của con cái: Cha mẹ ái kỷ thường phủ nhận những mong muốn và nhu cầu của con cái, khiến chúng cảm thấy rằng những mong muốn đó là không hợp lý hoặc không quan trọng. Thay vì ủng hộ và khuyến khích con cái theo đuổi những đam mê của mình, họ thường tìm cách làm cho con cảm thấy xấu hổ và từ bỏ những ước mơ đó. Ví dụ, họ có thể đưa ra những nhận xét mang tính hạ thấp như “Con không thực sự muốn làm điều đó, phải không?” hoặc “Tại sao con nghĩ mình giỏi việc đó?”. Ảnh: Freepik.

cha me ai ky anh 7

6. Thiên vị: Cha mẹ ái kỷ thường duy trì quyền lực trong gia đình bằng cách phân chia ngôi vị. Chẳng hạn, họ có thể không công bằng giữa những đứa con với nhau, khen ngợi đứa trẻ này nhưng lại chê bai đứa trẻ khác. Điều này không chỉ có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa anh chị em mà còn có thể khiến chúng tranh giành sự chú ý và thời gian của cha mẹ. Ảnh: Pexels.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.