Văn hóa làm việc 'bán mạng' của công ty công nghệ Trung Quốc

Admin

Hai cái chết đột ngột trong một ngày làm dấy lên cuộc tranh luận về môi trường làm việc khốc liệt của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, ngày 17/2, một nữ nhân viên của nền tảng thương mại điện tử Shopee tại Trung Quốc đã tử vong tại văn phòng. Một thông báo nội bộ trong ngày xác nhận sự việc nhưng yêu cầu nhân viên "không lan truyền bất kỳ thông tin và hình ảnh nào chưa được xác minh". Một số người làm tại Shopee cho biết họ thường phải làm đến 21-22h nhưng không được trả lương tăng ca. Một số nói dù sao môi trường này "vẫn tốt hơn một chút so với các công ty công nghệ lớn khác".

Cùng ngày, một sự cố khác liên quan đến công ty công nghệ nhận diện giọng nói iFlytek cũng trở thành chủ đề được cộng đồng quan tâm. Trong thông báo giữa tuần này, đại diện iFlytek cho biết một kỹ sư kiểm thử 38 tuổi "qua đời đột ngột" tại nhà. iFlytek dự kiến phát hành phiên bản mới của mô hình ngôn ngữ lớn Xinghuo dành cho điện toán AI tuần tới.

Truyền thông địa phương dẫn lời các thành viên trong gia đình rằng cái chết liên quan đến công việc. Công ty được cho là đã gọi cảnh sát vào ngày 18/6 khi gia đình của nhân viên này đến văn phòng, nằm xuống sàn và chặn lối vào.

Người nhà nhân viên iFlytek nằm ở lối vào công ty sau cái chết của kỹ sư 38 tuổi, hôm 18/6. Ảnh: Weibo

Người nhà nhân viên iFlytek nằm ở lối vào công ty sau cái chết của kỹ sư 38 tuổi, hôm 18/6. Ảnh: Weibo

Trước đó, cũng từng có một số cái chết đột ngột của lao động trẻ tại các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc như ByteDance, Pinduoduo và Bilibili. Xu hướng nghiệt ngã này đã khiến một số người đặt câu hỏi về cái giá của thành công khi làm việc trong ngành công nghệ Trung Quốc.

"Nếu chúng ta tiếp tục làm trong môi trường 'độc hại' kéo dài thế này, sẽ có bao nhiêu tài năng trẻ đột tử do quá sức, trước khi những quy định có hiệu lực được ban hành?", một người dùng Weibo bình luận. Một người dùng khác nói: "Đây có thực sự là con đường chúng ta nên theo đuổi để thăng tiến?".

Điều kiện làm việc khắc nghiệt từ lâu không còn là điều xa lạ trong môi trường công nghệ Trung Quốc. Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, từng nói văn hóa 996 (làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) là may mắn cho những người muốn cống hiến.

Theo SCMP, dù bị phản đối, nhiều người trẻ vẫn ngầm chấp nhận vì được các công ty công nghệ lớn cổ vũ bằng mức lương cao. Trung bình, lao động 996 được trả cao hơn 1,5-2 lần so với làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 5 ngày một tuần (955).

Sau 996, một văn hóa làm việc mới đang được PDD Holdings, công ty mẹ của nền tảng thương mại Temu, cổ xúy là 11-11-6, tức làm từ 11 giờ sáng đến 11 giờ tối, 6 ngày một tuần. Sự thành công của PDD Holdings khiến các công ty khác cảm thấy họ ít có sự lựa chọn nào ngoài thực hiện theo.

Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử Trung Quốc đặc biệt gay gắt. Các nhà bán lẻ trực tuyến không chỉ tranh giành thị trường nội địa mà còn tìm kiếm thị trường bên ngoài, nơi được kỳ vọng tạo ra lợi nhuận cao hơn.

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đối thủ thương mại điện tử như PDD, tháng trước, Richard Liu, nhà sáng lập JD.com, nói trong một video rằng công ty không phải nơi dành cho nhân viên kém năng suất. Ông đe dọa sa thải bất cứ ai được cho là là làm việc không đủ chăm chỉ.

Ngoài biện pháp cứng rắn là sa thải lao động phản đối 996, các công ty công nghệ cũng có cách tiếp cận mềm mỏng hơn là cung cấp chỗ ngủ, bữa tối miễn phí và thẻ taxi cho người tuân thủ 996.

Theo Reuters, Tòa án tối cao Trung Quốc tháng 8/2021 tuyên bố văn hóa 996 là bất hợp pháp. Luật quy định nhân viên không bị buộc làm quá 8 giờ một ngày hoặc hơn 44 giờ một tuần, với tổng số giờ làm thêm không vượt quá 36 giờ mỗi tháng. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực thi lỏng lẻo và nhiều doanh nghiệp công nghệ vẫn coi 996 như công cụ giúp tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh thị trường khó khăn.

Khương Nha