Tỉnh nghèo nhất Trung Quốc "lột xác": Trở thành trung tâm dữ liệu, hạ tầng thay đổi ngoạn mục, GRDP 290 tỷ USD

Admin

Vài năm trước, Quý Châu là tỉnh có số dân nghèo nhất Trung Quốc. Thế nhưng, đến ngày 23/11/2020, 66 huyện nghèo cuối cùng của tỉnh đã chính thức thoát nghèo.

Tỉnh nghèo nhất Trung Quốc

Tính từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Quý Châu đã đưa hơn 9,23 triệu người thoát nghèo. Năm 2023, GRDP của tỉnh này là 290,51 tỷ USD

Trong hành trình “thay da đổi thịt” ấy, Quý Châu đã tập trung vào nhiều giải pháp đồng bộ, từ hỗ trợ người dân tìm việc làm, phát triển kinh tế địa phương đến ứng dụng công nghệ số.

Phó Tỉnh trưởng Quý Châu - ông La Cường chia sẻ, tỉnh luôn chú trọng vào việc tạo điều kiện cho người dân có việc làm với thu nhập ổn định. Quý Châu đã và đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân ngay tại quê nhà. Bên cạnh việc duy trì quy mô lao động ngoài tỉnh với khoảng 6 triệu người, Quý Châu đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn. Nhờ vậy, người dân có thể “ly nông bất ly hương” và tạo dựng cuộc sống no đủ ngay trên mảnh đất quê hương.

"Ngày nay, diện mạo nông thôn Quý Châu ngày càng khởi sắc. Cuộc sống hàng ngày của người nông dân đã không còn là cảnh 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' như trước kia nữa", ông La Cường cho biết. Những năm gần đây, Quý Châu luôn chú trọng kết hợp hỗ trợ vật chất và tinh thần, đẩy mạnh giáo dục nông thôn, triển khai các chương trình đào tạo nghề như "Kỹ thuật viên Quý Châu", "Bếp trưởng ẩm thực Quý Châu". Nhờ đó, trẻ em nông thôn được đến trường, người dân có cơ hội tiếp cận tri thức, nâng cao tay nghề, tự tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mục tiêu trở thành thung lũng số của Trung Quốc

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế địa phương, Quý Châu còn nhìn thấy tiềm năng to lớn từ lĩnh vực công nghệ. Từ năm 2014, tỉnh đã triển khai chiến lược phát triển dữ liệu lớn. Sau 10 năm, với vai trò là Khu thí nghiệm tổng hợp dữ liệu lớn đầu tiên của Trung Quốc, ngành dữ liệu lớn của Quý Châu đã phát triển vượt bậc, trở thành động lực tăng trưởng mới của tỉnh. “Năm ngoái, China Mobile đã xây dựng tuyến đường truyền dữ liệu 400G đầu tiên trên thế giới tại Quý Dương. Việc truyền dữ liệu từ Quý Dương đến Quảng Châu và Thâm Quyến chỉ mất 10 mili giây và đến Hàng Châu là 16 mili giây", ông La Cường tự hào chia sẻ.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành "thung lũng số" của Trung Quốc, tỉnh đã thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Huawei, Tencent và ba nhà mạng viễn thông lớn nhất Trung Quốc đến xây dựng trung tâm dữ liệu lớn. 

“Hiện tại, toàn tỉnh có 47 trung tâm dữ liệu lớn đang hoạt động và đang được xây dựng. Quý Châu cũng đã hoàn thành xây dựng một loạt dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mang tính biểu tượng, đưa vào hoạt động điểm kết nối trực tiếp đường trục Internet cấp quốc gia, kênh chuyên dụng dữ liệu Internet quốc tế", ông La Cường cho biết. Hiện tại, Quý Châu đã trở thành một trong tám nút mạng lưới trung tâm tính toán quốc gia của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Thực hiện tính toán ở miền Đông, lưu trữ dữ liệu ở miền Tây”.

Với tham vọng phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật số theo hướng hiện đại, Quý Châu tập trung vào ba yếu tố then chốt, bao gồm: năng lực tính toán, khả năng hỗ trợ và ứng dụng. Tỉnh đẩy mạnh xây dựng cụm trung tâm tính toán thông minh, nâng cao năng lực tính toán, phấn đấu xây dựng cơ sở tính toán thông minh có sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, Quý Châu cũng chú trọng xây dựng ba cụm ngành công nghiệp nghìn tỷ nhân dân tệ gồm "trung tâm dữ liệu, thiết bị đầu cuối thông minh và ứng dụng dữ liệu", hoàn thiện chuỗi sinh thái ngành, nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong đường đua phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật số.

Hạ tầng giao thông thay đổi ngoạn mục

Sự thay đổi ngoạn mục của Quý Châu còn được minh chứng rõ nét qua hệ thống giao thông. Là tỉnh miền núi phía Tây Nam Trung Quốc, Quý Châu trước đây không có lợi thế về giao thông do không giáp biển, không giáp biên giới. Tuy nhiên, với sự phát triển của “Vành đai và Con đường” và “Hành lang kinh tế đất liền - biển phía Tây”, bức tranh giao thông của Quý Châu đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hành lang kinh tế đất liền - biển phía Tây đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

"Từ Quý Châu, đi về phía Tây có thể kết nối với các nước ASEAN thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào đến thủ đô Viêng Chăn (Lào); đi về phía Bắc có thể đến thẳng Trung Á, Bắc Á và châu Âu thông qua các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu, Trung Quốc - Trung Á; đi về phía Nam có thể dễ dàng thông thương với nước ngoài thông qua Hành lang kinh tế đất liền - biển phía Tây và tuyến đường cao tốc Quý Châu - Quảng Đông”, ông Lý Bỉnh Quân - Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Quý Châu cho biết. Ông cũng khẳng định, giao thông thuận lợi đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh.

“Hiện nay, mỗi thành phố, thị trấn trong tỉnh đều có sân bay, đường sắt cao tốc, đường cao tốc đến từng huyện, đường bê tông đến từng thôn, đường giao thông nông thôn nối thẳng đến ruộng đồng", ông Lý Bỉnh Quân tự hào. Hệ thống giao thông được cải thiện không chỉ giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn mà còn mang đến những thay đổi sâu sắc trong tư duy, điều kiện sản xuất và đời sống của họ.