Thực hư chữa ung thư máu, ung thư tủy xương bằng uống nước mía vắt chanh

Admin

Theo các chuyên gia y tế, việc chữa ung thư cần điều trị bằng xạ trị và phác đồ điều trị, do vậy người bệnh không nên tin theo những bài thuốc lan truyền chưa có kiểm chứng.

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin chữa ung thư tủy xương, ung thư máu bằng một lít nước mía vắt chanh.

Theo đó, người dùng mạng có nickname T.Đ.C chia sẻ "Mỗi ngày uống 1 lít nước mía vắt chanh, nạp béo lipid và đạm protein, lăn cho ra mồ hôi là khỏi ghép tủy luôn".

Bên dưới bài đăng còn có hướng dẫn cụ thể: "Không có nước mía thì pha 30- 80 thìa cà phê đường mía thô vào nước vắt chanh uống như nước giải khát. Uống hết trong ngày. Nhớ là không được lười. Phải tập thể dục, phải lăn như em bé cho máu trải đều ra là khỏi bệnh thôi".

Bài đăng này sau khi được đăng tải thu hút hơn 5 ngàn lượt thích và rất nhiều bình luận hỏi han, học làm theo.

Thực hư chữa ung thư máu, ung thư tủy xương bằng uống nước mía vắt chanh- Ảnh 1.

Bài đăng chữa ung thư máu, ung thư tủy xương bằng uống nước mía vắt chanh... thu hút sự chú ý trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. BS Lê Đình Roanh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư cho biết, điều trị ung thư phải điều trị bằng hóa chất, xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ.

"Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều lan truyền về các cách chữa ung thư như ăn kiêng, thực dưỡng… nhưng chưa có nghiên cứu khoa học về điều này", ông Roanh nói.

Về điều trị ung thư cần phải theo y học hiện đại, điều trị theo thuốc và cập nhật phác đồ điều trị của tổ chức ung thư quốc tế đưa ra.

Khi xác định đúng ung thư máu, ung thư tủy xương, các bác sĩ chuyên môn sẽ phân loại ra các thể bệnh và tùy từng loại sẽ điều trị theo phác đồ của quốc tế như hóa chất, ghép tủy…

Cũng theo các chuyên gia y tế chuyên điều trị về bệnh ung thư cho biết, đến nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh nước chanh hay các sản phẩm từ chanh có thể diệt được tế bào ung thư.

Với người có bệnh lý mãn tính, khi thực hiện chế độ ăn uống đều cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị cũng như bác sĩ dinh dưỡng, đánh giá mức độ bệnh, thể trạng, nhu cầu để lên thực đơn. Bệnh ung thư lại càng cần một chế độ ăn khoa học, hợp lý để nâng cao thể trạng.

Dưới góc độ đông y, lương y Nguyễn Hồng Siêm – Chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội cho rằng những bệnh nan y như ung thư cần phải được điều trị theo phương pháp y học hiện đại.

"Còn những bài thuốc trên chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh. Do đó, tôi khuyên bệnh nhân không nên dùng và áp dụng", ông Siêm nói.

Thực hư chữa ung thư máu, ung thư tủy xương bằng uống nước mía vắt chanh- Ảnh 2.

Người bệnh không nghe theo các phương pháp trị bệnh lan truyền trên mạng mà chưa được kiểm chứng (Ảnh: Internet).

Đồng thời, Chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội cũng nhấn mạnh, nếu người bệnh nghe theo các phương pháp trị bệnh đang lan truyền trên mạng mà chưa được kiểm chứng thì có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Úp bát nóng lên bụng chữa ung thư, nam thanh niên 20 tuổi nguy kịch

Khi nhắc đến ung thư là nhiều người thường nghĩ ngay đến "án tử", tâm lý của người bệnh thường "có bệnh vái tứ phương". Tuy nhiên, các chuyên gia y tế một lần nữa khuyến cáo người bệnh không nên tin theo lời lan truyền kẻo rước bệnh nặng thêm.

Đồng thời, khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, cập nhật các phương pháp điều trị khoa học và bài bản, đồng thời khi có bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị và cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Dùng bát úp bụng giác hơi chữa ung thư máu

Trước đó, hồi cuối tháng 9/2024 BSCKI Nguyễn Văn Quân - Phụ trách bộ phận Ngoại ung bướu, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai) cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam T.M.T (20 tuổi, ở Bát Xát, Lào Cai) nhập viện trong tình trạng mũi chảy nhiều máu đỏ tươi, phần da bụng phỏng nhiều nước, có tổn thương khá nặng.

Người thân của bệnh nhân T. cho biết, tháng 8/2024, bệnh nhân có đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thăm khám, được kết luận bị ung thư máu (lơ-xơ-mi cấp).

Tuy nhiên, thay vì điều trị, bệnh nhân về quê và tự ý điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Theo đó, bệnh nhân bôi và đắp thuốc lên bụng, sau đó úp bát có hơi nóng (kiểu giác hơi) vào để chữa bệnh, kèm theo đó là tiêm thuốc (không rõ nguồn gốc).

Sau khi điều trị tại nhà, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những tổn thương dạng bỏng hơi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

Bác sĩ Quân cảnh báo, việc mắc bệnh không tuân thủ điều trị theo chỉ định bác sĩ, tự ý điều trị hoặc điều trị theo phương pháp phản khoa học là vô cùng nguy hiểm với sức khỏe.

Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, thận… sức đề kháng, miễn dịch đã suy giảm vì thế khi điều trị bằng phương pháp phản khoa học, chữa bệnh theo bài thuốc truyền miệng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng.

"Với bệnh nhân trên, nếu tuân thủ điều trị, bệnh có thể sẽ không tiến triển nặng, kéo dài được thời gian sống. Tuy nhiên, khi tự chữa bệnh ngoài có thêm các tổn thương ngoài da, bệnh ung thư máu sẽ nặng nề và nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng", bác sĩ Quân nhấn mạnh.