Thách thức 'bao trùm số' ở Việt Nam

Admin

Xã hội bao trùm số cho phép mọi người tiếp cận và hưởng lợi từ công nghệ số, nhưng việc triển khai tại Việt Nam còn nhiều thách thức.

Bao trùm số là khái niệm được đưa ra từ nhiều năm trên thế giới, mô tả việc đưa công nghệ số bao trùm lên toàn xã hội, để bất cứ ai cũng có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi.

Vấn đề này được các cơ quan quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận tại Diễn đàn đa phương MSF 2024, do Samsung cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 18/10 ở Hà Nội.

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, đến 2030, Việt Nam sẽ phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp trong xã hội với tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%. Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đây là thách thức rất lớn, nhất là với nhóm người dễ bị tổn thương đang đứng trước nguy cơ tụt hậu hơn về kỹ năng số trong đời sống và công việc.

"Vẫn còn một bộ phận lớn trong xã hội chưa tiếp cận công nghệ số như người già, người khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa hay những người có hoàn cảnh khó khăn. Họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc sử dụng công nghệ số", ông Phương nói.

Một người dân đang sử dụng điện thoại di động tại tỉnh Hà Giang. Ảnh:Trọng Hải

Một người dân đang sử dụng điện thoại di động tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trọng Hải

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, lấy ví dụ về hiện tượng livestream TikTok, trong đó có buổi tạo ra doanh thu 75 tỷ đồng, cho thấy người Việt đã biết cách sử dụng công nghệ để thúc đẩy kinh tế. Ông cũng đánh giá Việt Nam là thị trường Internet năng động, với 80% dân số đã kết nối mạng.

Tuy nhiên, ông cho rằng những "cơn sốt" nói trên đang đặt ra câu hỏi về tầm quan trọng của bao trùm số, khi "một số người hưởng lợi rất nhiều từ các nền tảng mới, những người khác có nguy cơ bị bỏ lại phía sau".

Theo PGS. TS. Lê Hoàng Sơn từ Đại học Quốc gia Hà Nội, thách thức trong việc xây dựng hệ sinh thái số bao trùm ở Việt Nam đến từ nhiều yếu tố, trong đó có thể chia thành hai nhóm chính, gồm sự chêch lệch trong khả năng tiếp cận công nghệ, và rào cản với nhóm yếu thế.

Các thách thức này do sự chênh lệch về hạ tầng kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn; chênh lệch về kinh tế khiến người thu nhập thấp khó sở hữu thiết bị thông minh, máy tính. Rào cản về kỹ năng, ngôn ngữ, hạ tầng hỗ trợ cũng khiến nhóm người yếu thế như người già, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khó tiếp cận và sử dụng công nghệ, dẫn đến nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Giải pháp để "bao trùm số" tại Việt Nam

Khi đưa người yếu thế lên môi trường số, một trong những thách thức là tính an toàn, quyền riêng tư, đặc biệt trong bối cảnh Internet luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy.

"Khi chúng ta đón nhận những biên giới số mới, việc cần làm là đảm bảo khung pháp lý và giáo dục người tiêu dùng đi trước một bước", ông Haverman nói.

Phó đại diện thường trú UNDP gợi ý ba vấn đề Việt Nam cần tập trung giải quyết, thứ nhất là đầu tư thúc đẩy công nghệ hỗ trợ trở nên dễ tiếp cận trên quy mô lớn. Tiếp đến, cần tăng cường biện pháp an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu để xây dựng niềm tin vào các hệ thống số. Thứ ba, liên tục đánh giá tác động của chuyển đổi số, không chỉ về mặt tăng trưởng kinh tế mà còn về sự tác động đến những người yếu thế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề cập đến việc cần thiết kế các khóa đào tạo phù hợp về kỹ năng số cho nhóm người yếu thế, giúp họ học tập và tự tin hơn trong việc tham gia vào thị trường lao động.

"Cần khuyến khích các công ty công nghệ, startup tạo ra sản phẩm phục vụ cho người khuyết tật và nhóm người yếu thế, như ứng dụng giao tiếp, nền tảng học trực tuyến, hay công cụ hỗ trợ di chuyển", ông Phương nói.

Từ trái sang: Đại diện NIC, Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam tại sự kiện. Ảnh: Trang Nguyễn

Từ trái sang: đại diện NIC, Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam tại sự kiện MSF 2024. Ảnh: Trang Nguyễn

Tại sự kiện, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia NIC cùng Samsung và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ra mắt Sáng kiến Công nghệ Bao trùm (InclusiveTech Initiative), với một website chuyên dụng, chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan, các cá nhân, tổ chức có tâm huyết với công nghệ bao trùm.

"Giá trị đích thực của công nghệ nằm ở khả năng trao quyền, truyền cảm hứng, kết nối con người và hiện thực hóa ước mơ của mọi người, không phân biệt xuất thân hay vị trí địa lý", ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nói.

Lưu Quý