Mạng xã hội tại Việt Nam phải công khai cách phân phối nội dung

Admin

Nhiều nội dung xấu độc được lan truyền do thuật toán của mạng xã hội, vì vậy cần yêu họ công khai cách phân phối nội dung, theo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại hội nghị phổ biến Nghị định 147 ngày 28/11 ở Hà Nội, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định trong thời gian dài, một số mạng xã hội "lập lờ về thuật toán phân phối nội dung". Trên một số mạng xã hội, nhiều nội dung xấu được lan truyền, tạo xu hướng, theo ông Do có thể do được "bơm đẩy", trong khi nội dung tích cực thì không.

Đây là một trong những lý do Nghị định 147 bổ sung quy định yêu cầu các mạng xã hội phải mô tả quy trình, cách thức phân phối nội dung và công bố công khai trong Thỏa thuận cung cấp dịch vụ/Tiêu chuẩn cộng đồng. Ngoài ra, họ cũng có trách nhiệm cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.

"Người dùng và cơ quan quản lý có quyền biết quan điểm tạo 'trend' của các nền tảng như thế nào", ông Do nói. "Nếu mạng xã hội tạo xu hướng với nội dung độc hại sẽ phải bị xử lý, bị người dùng tẩy chay".

Cục trưởng PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do. Ảnh: Minh Sơn

Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do. Ảnh: Minh Sơn

Theo Cục trưởng, người dùng mạng xã hội "miễn phí", nhưng thực tế đang trả quyền lợi cho các nền tảng bằng cách nào đó. Ví dụ, nhờ có người dùng mà nền tảng có thể phân phối quảng cáo. Vì vậy theo ông, họ cần được đối xử như khách hàng.

"Bán sản phẩm gì phải thông báo cho người mua về sản phẩm đó, để họ xem có phù hợp không", ông ví von với việc công khai cách thức phân phối nội dung.

Ngoài ra, Nghị định 147 cũng bổ sung trách nhiệm của nền tảng trong việc phải xác thực người dùng bằng số điện thoại tại Việt Nam. Họ cũng được yêu cầu xác thực và gắn biểu tượng đã xác thực, như tích xanh, cho tài khoản, trang, kênh của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có pháp nhân tại Việt Nam và người có ảnh hưởng khi nhận được đề nghị.

"Đây là trách nhiệm, chứ không phải là xin cấp tích xanh", ông Do nhấn mạnh.

Theo nghị định mới, những tài khoản đã xác thực mới có thể đăng bài, bình luận. Đặc biệt với tính năng livestream, ngoài số điện thoại, người dùng cũng phải xác thực bằng số định danh cá nhân, nhằm ngăn chặn tình trạng livestream bán hàng vi phạm pháp luật.

Các mạng xã hội cũng sẽ phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan chức năng. Việc khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập cũng phải được thực hiện chậm nhất 24 giờ tính từ khi được yêu cầu.

Nghị định 147 có hiệu lực từ ngày 25/12.

Lưu Quý