Chỉ số tiểu cầu 8.000/mm3 là ở mức nguy hiểm, trong khi bình thường là 150.000-450.000/mm3, theo BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bé Trâm không bị va đập hay chấn thương trước khi xuất hiện những vết bầm. Các bác sĩ hội chẩn, đánh giá tình trạng tiểu cầu thấp có thể khiến bệnh nhi chảy máu tự phát và khó cầm, chảy máu răng, mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bé được truyền thuốc đặc hiệu, số lượng tiểu cầu tăng lên 45.000/mm3, tạm thời không còn xuất huyết.
Để xác định nguyên nhân giảm tiểu cầu, bác sĩ xét nghiệm tủy đồ và các xét nghiệm chuyên khoa khác. Chọc tủy ghi nhận hình ảnh tăng mẫu tiểu cầu và hồng cầu, không có tế bào ác tính. Bác sĩ chẩn đoán bé Trâm bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể phá hủy tiểu cầu trong máu, làm giảm khả năng đông máu dẫn đến bầm tím, chảy máu dưới da hoặc bên trong cơ thể. Hầu hết trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng, thường phát hiện khi xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh lý khác.
"Tiểu cầu dưới 100.000/mm3 được xác định là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch sau khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác gây giảm tiểu cầu như nhiễm trùng, lupus ban đỏ hệ thống, tiền sử dùng thuốc, gia đình mắc các rối loạn chảy máu...", bác sĩ Trang giải thích. Sau một tuần theo dõi và điều trị, bé Trâm được xuất viện.
Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý rối loạn chảy máu thường gặp ở trẻ em, nhất là trong giai đoạn 2-9 tuổi. Bệnh được chia thành 4 mức độ. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị xuất huyết da (các vết bầm, chấm xuất huyết), không xuất huyết niêm mạc. Chảy máu mũi, chân răng là mức độ trung bình. Trường hợp xuất huyết niêm mạc nhiều vị trí như nôn, tiểu ra máu, chảy máu âm đạo... là mức độ nặng. Trẻ bị xuất huyết não là mức độ nguy kịch, biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác, hôn mê, nguy cơ cao tử vong.
Phần lớn trẻ em mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính, có thể tự giới hạn trong 3-6 tháng. Một số ít trường hợp kéo dài trên 6 tháng hoặc tiến triển thành mạn tính trên 12 tháng.
Nếu trẻ thường xuyên bị bầm tím hoặc có chấm xuất huyết ở da không rõ nguyên nhân chấn thương, bác sĩ Trang khuyến cáo nên đưa trẻ đến bệnh viện xét nghiệm công thức máu, tầm soát các bệnh lý đông máu. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng.
Bé gái dậy thì bị rong kinh (kinh nguyệt kéo dài) hoặc cường kinh (ra máu nhiều hơn bình thường), xuất huyết âm đạo bất thường có thể là triệu chứng cảnh báo xuất huyết giảm tiểu cầu, cũng cần đến bác sĩ khám để tìm nguyên nhân.
Ngọc Châu
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |