Tắt sóng 2G: Quyền lợi của người dùng phải được đặt lên hàng đầu

Admin

Từ ngày mai (15/10), các nhà mạng chính thức tắt sóng 2G. Những người còn sử dụng điện thoại “cục gạch” sẽ ra sao? Thuê bao của họ còn được giữ trong bao lâu khi họ quyết định chuyển đổi?

Còn hơn 770.000 thuê bao 2G Only trước giờ tắt sóng 2G

Theo thống kê của các nhà mạng, tính đến ngày 10/10/2024 chỉ còn 771.072 thuê bao 2G Only trước giờ tắt sóng 2G. Dự kiến cơ bản các nhà mạng sẽ hoàn thành tắt sóng 2G vào ngày 15/10 theo lộ trình.

Tắt sóng 2G: Quyền lợi của người dùng phải được đặt lên hàng đầu- Ảnh 1.

Còn hơn 770.000 thuê bao 2G Only trước giờ tắt sóng 2G

Trước đó, theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only.

Dự kiến các nhà mạng sẽ hoàn thành tắt sóng 2G đúng theo lộ trình. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động, để thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G.

Hiện nay, trong giai đoạn “nước rút” các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G Only còn lại trên mạng, để tiến tới mục tiêu tắt sóng 2G vào ngày 15/10/2024.

Lý giải con số thuê bao 2G còn lại, các nhà mạng cho biết đây là nhóm đối tượng ở khu vực vùng sâu xa hoặc có ít hành vi sử dụng nên rất khó liên lạc.

Tắt sóng 2G: Quyền lợi của người dùng phải được đặt lên hàng đầu- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel

“Một số ít không đáng kể ở vùng sâu xa nên nhân viên chưa tiếp cận được. Ngay sau ngày 15/10, khi thực hiện tắt dịch vụ hai chiều đối với thuê bao 2G Only, tập khách hàng này có thể chuyển đổi được. Chúng tôi vẫn nỗ lực cho những ngày tiếp theo và sau ngày 15/10”, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel thông tin.

Còn ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone cho biết, một bộ phận người dân dù tác động bằng nhiều biện pháp truyền thông khác nhau nhưng chỉ khi không dùng được dịch vụ mới đổi, có một số người dân mua về rồi nhưng vẫn chưa đổi, chuyển máy mới;

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão lụt, nhiều khu vực không thể tiếp cận được và người dân tập trung khôi phục đời sống cá nhân trước khi quan tâm đến các hoạt động khác;

“Với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Cục Viễn thông, hiện nay các nhà mạng có một số tiêu chí đế nhận diện thuê bao 2G, trong đó có một số thuê bao ở mạng này là 2G nhưng ở mạng khác lại nhận diện là hỗ trợ 3G, 4G. Với tệp này, chúng tôi cập nhật thường xuyên với tiêu chí của Cục Viễn thông để loại ra, sau thời điểm 15/10 vẫn sử dụng được vì máy nhận diện 2G nhưng hỗ trợ cả 3G và 4G”, ông Dũng cho hay.

Tắt sóng 2G: Quyền lợi của người dùng phải được đặt lên hàng đầu- Ảnh 3.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định từ góc độ cơ quan quản lý viễn thông, đây là kết quả thực sự ấn tượng, là sự nỗ lực quyết tâm lớn của các doanh nghiệp.

“Nhìn lại vào tháng 1/2024, toàn mạng có hơn 18 triệu thuê bao 2G. Đến giờ chỉ còn hơn 700.000 thuê bao. Đây là nỗ lực vô cùng lớn khi chúng ta vừa giữ chất lượng mạng lưới, phát triển mạng 5G cũng như duy trì sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đã cho thấy trách nhiệm trong việc giảm số lượng thuê bao 2G”, ông Nhã đánh giá.

Quyền lợi người sử dụng được đặt lên hàng đầu

Theo đại diện Cục Viễn thông, công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, do đó thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh.

“Với người sử dụng, các điện thoại phím bấm chỉ sử dụng trong một vài trường hợp nhất định (người già và trẻ nhỏ). Trong môi trường hiện nay, điện thoại thông minh tiện lợi hơn như giao dịch, hành chính. Khi người dùng chuyển sang công nghệ mới hơn như 4G, công nghệ mạng được Việt Nam triển khai từ 2016, phần lớn thuê bao trên mạng hiện nay là 4G”, ông Nhã cho hay.

Tắt sóng 2G: Quyền lợi của người dùng phải được đặt lên hàng đầu- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, sau ngày 15/10, trách nhiệm của doanh nghiệp là duy trì số điện thoại, gói cước, chế độ chính sách với thuê bao cũ, người sử dụng có thể tiếp tục đến các điểm cung cấp dịch vụ hay thông qua số điện thoại để được hướng dẫn đầy đủ thông tin cho việc chuyển đổi.

“Tôi mong quyền lợi của người sử dụng phải được nhà mạng đặt lên hàng đầu để liên lạc không bị gián đoạn”, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa qua, các nhà mạng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G.

Các nhà mạng đều chuẩn bị số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (hỗ trợ 100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình. Một số doanh nghiệp di động có chính sách hỗ trợ tặng máy không cần đăng ký gói cước cho các các hộ nghèo, cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chuyển đổi sang máy điện thoại 4G.