Nhiều bệnh nhân thalassemia thiếu máu hiếm để truyền

Admin

Bệnh nhân tan máu bẩm sinh càng truyền máu nhiều lần thì nguy cơ sinh kháng thể bất thường càng cao, khiến họ không thể nhận máu thường mà cần loại hòa hợp phenotype.

"Hiện 30% người bệnh thalassemia đã được truyền máu hòa hợp phenotype, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tai biến do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận", ông Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết tại Chương trình gặp mặt người hiến máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype tiêu biểu năm 2024, ngày 23/11.

Thalassemia là bệnh do gene di truyền, người bệnh phải điều trị thải sắt và truyền máu định kỳ hàng tháng. Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đang quản lý, điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân thalassemia. Bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường càng cao. Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).

Năm 2024, Viện tiếp nhận dự trù gần 240 đơn vị máu nhóm hiếm và 2.458 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn trong kho chỉ đáp ứng được khoảng 56%, số còn lại 44% phải tìm kiếm và huy động trực tiếp từ người hiến máu.

Nhiều năm nay, Viện xét nghiệm, xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên. Danh sách những người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm hay người hiến máu hòa hợp phenotype đều được lưu trữ trên phần mềm của Viện. Nhờ đó, khi có những bệnh nhân cần, Viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách.

Những người hiếm máu được vinh danh chiều 23/11. Ảnh: Thanh Hằng

Những người hiến máu được vinh danh chiều 23/11. Ảnh: Thanh Hằng

Như chị Lê Thị Vinh ở Hà Nội, khi nhận được cuộc gọi từ Viện mời đến hiến máu hòa hợp phenotype cho người bệnh, chị lại sắp xếp công việc đi xe máy đến hiến. Đến nay, chị Vinh đã hiến máu hơn 30 lần. Riêng năm 2024, chị có 3 lần hiến máu hòa hợp phenotype theo huy động của Viện Huyết học. Chị Vinh là một trong 20 người nhóm máu hòa hợp phenotype và nhóm máu hiếm tiêu biểu được vinh danh năm nay.

"Bình thường tôi cứ đợi đủ ngày và không bận công việc thì sẽ đi hiến, nhưng nay cứ có điện thoại từ viện là thu xếp đến ngay", chị Vinh nói, thêm rằng sức khỏe là vốn quý giá của mỗi người, bản thân may mắn có đủ sức khỏe nên sẵn sàng chia sẻ cho những người kém may mắn hơn.

Máu là chế phẩm quan trọng và không thể thay thế đối với người cần truyền máu. Với người bệnh có nhóm máu hiếm, loại "thuốc" đặc biệt này lại càng quý giá hơn. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm. Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm.

PGS Quế đánh giá việc huy động người hiến máu có nhóm máu hiếm và nhóm máu hòa hợp phenotype còn một số khó khăn. Những thông tin về nhóm máu hòa hợp phenotype còn khá hạn chế, nhận thức của người hiến máu về vấn đề này chưa được nâng cao, nhiều người hiến máu có kiểu hình phù hợp với bệnh nhân nhưng lại chưa ý thức được.

Những người bệnh cần truyền máu hòa hợp phenotype phải truyền trung bình mỗi tháng một lần, nhưng người hiến máu thì phải ba tháng mới đủ điều kiện hiến máu lần tiếp theo. Mặt khác, chi phí để làm xét nghiệm đầy đủ các kháng nguyên nhóm máu khá cao, chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí nên khó khăn trong việc mở rộng nguồn người hiến máu.

Lê Nga