Công an tỉnh Bình Định đưa tin, ngày 05/02/2025, khi đang làm việc tại thành phố Quy Nhơn, chị N.T.T trú thị xã Hoài Nhơn nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0868.715.202 của một người nam tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo đang giao cho chị một đơn hàng là sách trị giá 168.000 đồng.
Tuy nhiên, do không có ai ở nhà nên chị T đề nghị để hàng ở nhà và gửi số tài khoản để chuyến khoản trả tiền. Sau đó, đối tượng nhắn tin số tài khoản 1050027033, ngân hàng Vietcombank, tên TRAN VAN THANH cho chị T. Chị T đã chuyển khoản đủ số tiền hàng cho đối tượng.
Khoảng 5 phút sau, đối tượng thông báo cho chị T là có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản của bưu điện và nói chị T muốn lấy lại tiền thì làm theo hướng dẫn, đối tượng đã hướng dẫn chị T truy cập vào đường link giả mạo của bưu điện, yêu cầu chị T nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, mã OTP. Chị T làm theo thì phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất tổng cộng 41.353.534 đồng.
Trước đó, giữa tháng 01/2024 với thủ đoạn tương tự, chị H.T.T trú huyện Phù Cát bị lừa 9.000.000 đồng. Cùng thời điểm, anh N.V.T trú thành phố Quy Nhơn bị lừa 6.000.000 đồng. Anh T cho biết: “Mình hay đặt hàng qua livestream, thời điểm cận Tết nghe điện thoại không có thời gian kiểm tra nên đã chuyển khoản”.
Thời gian qua, tình trạng giả danh shipper (nhân viên giao hàng) để lừa đảo đang gia tăng gây thiệt hại tài sản cho nhiều người dân. Lợi dụng sự phổ biến của hình thức mua sắm trực tuyến và giao hàng thu tiền (COD), các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước khi nhận hàng hoặc thậm chí giả mạo thông tin để chiếm đoạt tài sản.
Đây là một hình thức lừa đảo mới xuất hiện, các đối tượng thường xuyên theo dõi các buổi bán hàng trực tuyến (livestream) trên mạng xã hội để thu thập thông tin về khách hàng và các đơn hàng. Thậm chí, các đối tượng còn mua thông tin khách hàng từ các nguồn không rõ ràng.
Sau khi có dữ liệu, các đối tượng giả mạo làm nhân viên giao hàng của các công ty vận chuyển uy tín, liên hệ với khách hàng vào những thời điểm không thuận tiện như giờ hành chính hoặc khi khách hàng vắng nhà, yêu cầu chuyển khoản trước rồi giả vờ gửi hàng cho người thân hoặc bỏ vào nhà… Để tạo lòng tin, các đối tượng còn chụp ảnh gói hàng và gửi qua tin nhắn để thuyết phục khách hàng trả tiền.
Sau khi nhận được tiền, các đối tượng lừa đảo tiếp tục dùng chiêu thức giả mạo tin nhắn thông báo “chuyển nhầm tài khoản” để yêu cầu nạn nhân hoàn tiền hoặc dọa trừ tiền. Các đối tượng sẽ gửi các đường link giả mạo, yêu cầu nạn nhân bấm vào để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và toàn bộ số tiền đã thanh toán.
Trong tháng 01/2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ lừa đảo với thủ đoạn này, đa số người dân không báo cơ quan Công an vì số tiền không quá lớn và thời điểm cận Tết người dân thường bận rộn.
Cơ quan Công an khuyến cáo: Để không mắc bẫy thủ đoạn lừa đảo này, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi mua hàng trực tuyến, luôn kiểm tra thông tin liên quan đến đơn hàng, dịch vụ giao hàng đang sử dụng với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức; tránh để các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ… công khai trên mạng xã hội; không chuyển tiền thanh toán khi chưa chắc chắn đã nhận được hàng; tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kì ai.