
Bạn có tin rằng một vấn đề y sinh phức tạp đã "hành hạ" các nhà khoa học hàng chục năm trời nay đã được giải quyết chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ? Điều này vừa trở thành sự thật nhờ một công cụ AI mới của gã khổng lồ công nghệ Google, khiến giới nghiên cứu không khỏi kinh ngạc và choáng váng.
Giáo sư José R Penadés và nhóm nghiên cứu của ông tại trường Đại học Imperial College London (Anh) đã miệt mài suốt 1 thập kỷ để tìm hiểu và chứng minh lý do vì sao một số siêu vi khuẩn lại có thể miễn nhiễm với thuốc kháng sinh. Đây là một câu hỏi then chốt trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa ngày càng lớn từ những "ác quỷ hiển vi" này.

Thế nhưng, vấn đề nan giải ấy đã được công cụ AI "co-scientist" của Google giải mã chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi. Giáo sư Penadés chỉ cần đưa cho AI một lời nhắc ngắn gọn về cốt lõi nghiên cứu, và nó đã nhanh chóng đi đến kết luận tương tự như nhóm của ông - một phát hiện mà các nhà khoa học phải mất nhiều năm để chứng minh.
" Tôi đang đi mua sắm với ai đó, nhưng tôi bảo họ hãy để tôi yên một mình một tiếng đồng hồ vì tôi cần phải tiêu hóa thông tin này ," giáo sư Penadés kể lại phản ứng của mình trên chương trình Today của BBC Radio 4. " Tôi còn viết email cho Google để hỏi liệu họ có truy cập vào máy tính của tôi hay không ," ông nói thêm, bởi nghiên cứu của nhóm ông chưa từng được công bố và không thể tìm thấy trong không gian công cộng mà AI có thể tiếp cận. Phía Google cũng xác nhận họ không can thiệp gì vào dữ liệu của giáo sư.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu họ có được giả thuyết như vậy ngay từ đầu, có lẽ đã tiết kiệm được nhiều năm làm việc để chứng minh nó. Điều đáng nói là công cụ AI này còn đưa ra 4 giả thuyết phù hợp khác, trong đó có 1 khả năng mà nhóm chưa từng nghĩ tới và giờ họ đang tích cực khai thác hướng đi mới mẻ này.

Giả thuyết mà nhóm giáo sư Penadés đặt ra là các siêu vi khuẩn có thể tạo ra "đuôi" từ các loại virus khác nhau, cho phép chúng di chuyển và lây lan giữa các loài vật chủ, tựa như chìa khóa mở cánh cửa xâm nhập. Điều thú vị là ngay trong lần "phỏng đoán" đầu tiên, AI của Google cũng đề xuất một kịch bản tương tự, cho dù nó không hề được tiếp xúc với bất kỳ thông tin nào về nghiên cứu độc đáo này trước đó.
Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong khoa học vẫn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng nó sẽ thúc đẩy những bước tiến mang tính đột phá, trong khi số khác lo ngại nó có thể cướp đi công việc của họ. Tuy nhiên, giáo sư Penadés tin rằng đó chỉ là phản ứng ban đầu, và AI thực chất là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ mà chúng ta cần học cách khai thác một cách khôn ngoan.
"Tôi cảm thấy điều này chắc chắn sẽ thay đổi nền khoa học," ông nhấn mạnh. "Tôi đang đứng trước một thứ gì đó thực sự ngoạn mục, và tôi rất vui vì được là một phần của nó. Cảm giác như thể tôi đang có cơ hội thi đấu trong một trận đấu lớn vậy - như thể cuối cùng tôi cũng được thi đấu tại Champion League vậy."
Câu chuyện trên đây chắc chắn chỉ là một trong nhiều minh chứng đầu tiên cho sức mạnh đáng kinh ngạc của AI trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo. Với tốc độ phát triển chóng mặt của những mô hình như ChatGPT hay công cụ "co-scientist" của Google, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng khoa học sẽ bước sang một kỷ nguyên mới, nơi sự hợp tác giữa trí tuệ nhân tạo và bộ óc con người sẽ giúp gỡ rối những bí ẩn của tự nhiên và vũ trụ một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Một kỷ nguyên đầy hứa hẹn nhưng cũng không thiếu những thách thức mới đang chờ đợi phía trước.