Ngày 20/2, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng da tay khô nứt, viêm đỏ do rửa quá mức. Về tinh thần, thiếu nữ bị lo âu, ám ảnh nặng khiến em không thể đi học, thường xuyên cáu gắt, bực bội. Bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ, không thể tập trung vào bất kỳ việc gì.
Theo người nhà, nữ sinh liên tục nghĩ rằng tay bẩn dù đã rửa sạch, tình trạng kéo dài nhiều tháng. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ bình thường, tuy nhiên hội chứng này ngày càng nặng dần, tay em biến chứng. Khi phụ huynh ép con ngừng hành động này, bé cáu gắt, sinh rối loạn lo âu, sống khép mình.
Bác sĩ Chung kết luận bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh - nghi thức (OCD). Đây là bệnh lý đặc trưng bởi các suy nghĩ, thôi thúc hoặc hình ảnh ám ảnh lặp đi lặp lại, khiến người bệnh lo lắng, khó chịu hoặc sợ hãi, nhưng hoàn toàn không thể kiểm soát được.
Bệnh OCD có thể xuất hiện do một số yếu tố như di truyền, sự thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh hoặc các yếu tố tâm sinh lý. Người mắc các rối loạn tâm trạng như lo âu, trầm cảm, hoặc các bệnh tâm thần khác cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này.
Các triệu chứng chính của OCD bao gồm: suy nghĩ không mong muốn, lo sợ bản thân sẽ làm điều gì đó gây xấu hổ hoặc gây hại, muốn mọi thứ phải đúng theo trật tự riêng, nỗi sợ quá mức với vi khuẩn, chất bẩn, hoặc chất thải cơ thể, lo lắng không hợp lý về các chất gây ô nhiễm hoặc nguy cơ nhiễm bệnh.
Người bệnh có những hành vi nghi thức lặp đi lặp lại, chẳng hạn như: thức dậy nhiều lần vào ban đêm để kiểm tra các thiết bị điện, khóa cửa hoặc cửa sổ; sắp xếp đồ đạc theo một thứ tự nhất định để giảm cảm giác lo âu; rửa tay liên tục và quá mức; đếm bậc cầu thang hoặc ô cửa sổ một cách không tự nguyện; lặp lại các lời cầu nguyện, từ ngữ, hoặc con số trong yên lặng; chạm vào một vật đúng số lần nhất định; hoặc đi qua lại cửa nhiều lần trước khi ra ngoài.

Ảnh minh họa: Anh Chi
Sau hai tháng điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý, chứng ám ảnh và lo âu của thiếu nữ giảm đáng kể, da tay hồi phục khoảng 90%. Bệnh nhân ra ngoài được, có thể thực hiện một số sinh hoạt bình thường, mong muốn quay trở lại trường học vào năm tới.
Bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ có dấu hiệu lặp lại hành vi như rửa tay, kiểm tra, hoặc sắp xếp đồ đạc quá mức, cần chú ý và hỏi han nhẹ nhàng, tránh quát mắng hoặc ép buộc trẻ dừng ngay, điều này có thể làm tăng lo âu. Cùng với đó, đưa trẻ đến khám sớm tại cơ sở chuyên khoa.
Gia đình nên đồng hành và kiên nhẫn, bởi điều trị OCD cần thời gian. Phụ huynh cần chủ động phối hợp với nhà trường, trao đổi với giáo viên để hỗ trợ tâm lý phù hợp. Một số trường hợp có thể kéo dài nhiều năm và dễ tái phát, vì vậy việc tuân thủ điều trị và theo dõi lâu dài là rất quan trọng.
Thúy Quỳnh