Trang Bulgarian Military hôm 23/4 cho biết Romania đã chọn gia tăng sức mạnh cho phi đội máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon của mình với 186 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 AMRAAM.
Cụ thể, đơn đặt hàng quan trọng liên quan đến lô tên lửa AIM-120C-8 nói trên được Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Romania (DSCA) công bố trang web của mình, trong đó nêu rõ rằng quốc gia thành viên EU-NATO này cũng sẽ nhận được các bộ phận dẫn đường cho AIM-120C-8 AMRAAM và các thiết bị thiết yếu khác.
Do gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng RTX (trước là Raytheon) của Mỹ phát triển, AIM-120C-8 AMRAAM là tên lửa tiên tiến được thiết kế để chiến đấu không đối không, cung cấp độ chính xác và độ tin cậy cao chống lại máy bay của đối phương.
Dài khoảng 12 feet (3,66 m) và đường kính khoảng 7 inch (0,18 m), tên lửa này tương đối nhẹ, điều giúp tăng cường khả năng cơ động và hiệu quả của tên lửa trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
Được trang bị đầu đạn phân mảnh nổ mạnh, AIM-120C-8 tối đa hóa sát thương mục tiêu bằng cách phân tán các mảnh đạn khi phát nổ, làm tăng đáng kể khả năng trúng đích. Một trong những tính năng nổi bật của AIM-120C-8 là phạm vi hoạt động ấn tượng: Có khả năng tấn công mục tiêu cách xa hơn 100 dặm (160 km).
Do đó, việc trang bị tên lửa này cho tiêm kích F-16 có thể giúp những chú "Chim Cắt" của Không quân Romania trở nên đáng gờm hơn trong các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn (BVR).
Có nhiều lý do khiến AIM-120C-8 được coi là vũ khí BVR tiên tiến. Hệ thống dẫn đường radar hiện đại của tên lửa đảm bảo nó có thể theo dõi và tấn công chính xác các mục tiêu ở khoảng cách xa. Trên hết, hệ thống động cơ mạnh mẽ của AIM-120C-8 cho phép tên lửa đạt tốc độ và phạm vi cần thiết để nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu ngoài tầm nhìn.
Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 AMRAAM. Ảnh: Militarnyi
Trước Romania, các quốc gia như Hà Lan và Thụy Điển cũng đã chọn mua tên lửa AIM-120C-8 để tăng cường năng lực không chiến, nhằm chống lại các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường khả năng tương tác với các đồng minh NATO.
Hiệu quả của AIM-120C-8 đã được chứng minh trong thực chiến. Năm 2017, máy bay chiến đấu của Mỹ đã sử dụng AIM-120C-8 chống lại máy bay Syria và máy bay không người lái (UAV/drone) để thực thi vùng cấm bay và bảo vệ lực lượng liên quân.
Tên lửa AIM-120C-8 cũng đã được lực lượng liên quân Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) triển khai hiệu quả ở Yemen để đánh chặn máy bay và tên lửa của lực lượng Houthi.
Ngoài ra, AIM-120C-8 đã trở thành một thành phần quan trọng trong nhiều hoạt động của NATO. Trong các cuộc tập trận và đánh chặn thực tế ở Đông Âu, máy bay NATO đã sử dụng tên lửa BVR này để ngăn chặn và vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng từ các lực lượng đối địch.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military)