'Đột quỵ cần phòng ngừa lâu dài, đừng trông mong vào một viên thuốc'

Admin

TP HCMBác sĩ Nguyễn Huy Thắng cho rằng nhiều người đang phòng ngừa đột quỵ "nghịch lý" khi chi tiền mua thuốc "thần dược" mà bỏ bê kiểm soát yếu tố nguy cơ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, nói như trên nhân Ngày đột quỵ thế giới 29/10, trong bối cảnh nhiều loại uống, tiêm được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội rằng tác dụng "phòng ngừa đột quỵ" với chỉ một viên uống hoặc một liều tiêm. Các loại này thường là thực phẩm chức năng nhập khẩu không rõ nguồn gốc hoặc "thuốc" tự bào chế, không có tác dụng trong điều trị hay dự phòng.

"Rất nhiều người lo sợ đột quỵ đến mức hoang mang, song chỉ trông mong giải pháp phòng ngừa kiểu nhanh gọn như một mũi tiêm hay một viên thuốc", ông nói, thêm rằng thực chất để phòng ngừa đột quỵ phải phối hợp nhiều giải pháp và cần duy trì lâu dài, không thể dựa vào một viên thuốc hay mũi thuốc "vạn năng" cứu mạng.

Hiện Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới. Trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đứng thứ nhất. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu. Trong đó, nhiều người đột quỵ tuổi trẻ, dưới 45 tuổi, xu hướng ngày càng tăng những năm gần đây.

Đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, song ở Việt Nam ít người tuân thủ, theo bác sĩ Thắng. Ông khuyến cáo mọi người lưu ý ba điều quan trọng giúp tránh được hậu quả của đột quỵ.

Thứ nhất, khi không may mắc một hay nhiều yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ là tăng huyết áp, tiểu đường và tăng mỡ máu, chỉ cần kiểm soát tối ưu những bệnh lý này. Không cần quá để tâm đến những nguy cơ ngoài lề như tắm đêm, buộc dây giày..., bởi thủ phạm thật sự là những bệnh nền nêu trên.

Theo đó, nên kiểm soát chỉ số huyết áp, đường huyết hay mỡ máu và duy trì ở mức bình thường, tức huyết áp <130/80 mmHg, đường huyết <7mmol/l và LDL cholesterol <70mg/dL. Nguyên tắc là chỉ số càng thấp, hiệu quả càng tốt. Bệnh nhân có bệnh nền rung nhĩ chắc chắn cần phải sử dụng thuốc kháng đông để phòng ngừa.

"Hơn 70% bệnh nhân đột quỵ có thể tránh được bệnh nếu tuân thủ điều trị", phó giáo sư Thắng nói.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: Phương Lê

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: Phương Lê

Thứ hai, thay đổi lối sống bằng chế độ vận động tập luyện, thức ăn phù hợp, hạn chế rượu bia và tuyệt đối không sử dụng thuốc lá - "độc dược" đối với nguy cơ đột quỵ. Thay đổi lối sống, hàng ngày dành ít phút để đi bộ.

Vài ngày trước, một bệnh nhân 50 tuổi trở lại viện trên xe lăn bởi đột quỵ tái phát, bác sĩ phát hiện túi áo người này còn cất một bao thuốc lá. Hai năm trước ông đột quỵ lần đầu, điều trị một tháng sau có thể đi lại, làm việc bình thường. Thế nhưng thời gian qua ông không duy trì thuốc kiểm soát huyết áp và đường huyết theo khuyến cáo của bác sĩ, vẫn tiếp tục hút thuốc lá.

"Bệnh nhân này khó tránh khỏi nguy cơ đột quỵ lần thứ ba với những di chứng nặng nề hơn, nếu không bỏ thuốc lá và tuân thủ điều trị", bác sĩ nói.

Trên thực tế, tỷ lệ tái phát sau đột quỵ thường rất cao, có thể đến 50-70%. Bệnh nhân đột quỵ lần đầu, điều trị kịp thời trong giờ vàng, theo đúng phác đồ, thường khả năng hồi phục cao. Khi bệnh tái phát, cơ hội không thể cao như lần đầu, bệnh nhân dễ tử vong và tăng nguy cơ tàn phế.

Thứ ba, phải nhận biết được triệu chứng của đột quỵ và đến bệnh viện ngay khi khởi phát. Áp dụng bài test FAST để nhận biết dấu hiệu đột quỵ. Trong đó, F là Face - mặt, yêu cầu người bệnh cười hoặc nhăn mặt, nếu một bên mặt bị xệ hoặc không thể cử động bình thường có thể là dấu hiệu của đột quỵ. A là Arms - tay, yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên, cảnh giác nếu một tay yếu hoặc rơi xuống, không thể giữ vững.

S là Speech - lời nói, người bệnh lặp lại một câu đơn giản, nếu nói không rõ hoặc không thể nói được có thể là dấu hiệu của đột quỵ. T là Time - thời gian, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, đưa người bệnh đến cơ sở có khả năng cấp cứu điều trị đột quỵ gần nhất. Tuyệt đối không trì hoãn hay sơ cứu tại chỗ vì làm mất đi cơ hội điều trị bệnh nhân.

Lê Phương