"Nhiều lúc tôi muốn chết", chị Hạnh, 29 tuổi, ngụ Tuyên Quang, nhớ lại. Tình trạng bất thường của chị Hạnh diễn sau khi sinh con hai tuần, được chồng phát hiện nhờ gắn một camera trong phòng ngủ. Qua camera, anh biết được trong khi chồng vắng nhà, vợ một mình chăm con song thường ngồi đờ đẫn không nói cười, có lúc dễ cáu gắt hoặc xúc động, con khóc cũng không dỗ dành mà cấu véo chân bé bầm tím.
Chồng đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, thực hiện bài test đánh giá tình trạng tâm thần, kết quả xác định chị Hạnh mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Ngày 28/10, thạc sĩ, bác sĩ tâm lý - tâm thần Phạm Văn Dương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chị Hạnh hay bồn chồn, lo lắng, khó ngủ, dễ cáu gắt nhưng không tâm sự với chồng hay bất kỳ ai. Đây là tình trạng chung của những bệnh nhân trầm cảm. "Đa phần họ không nhận ra mình có bệnh", bác sĩ Dương nói.
Như chị Loan, 35 tuổi, ngụ Hưng Yên, một tháng sau sinh mổ đến bệnh viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Vết mổ ổn định, sản phụ sức khỏe bình thường, song chị hỏi bác sĩ "Có ai cần con không, em muốn cho". Bác sĩ khuyên khám chuyên khoa tâm lý nhưng chị Loan từ chối và khẳng định bản thân "bình thường". Lúc này người chồng mới biết được tình trạng của vợ, biết vợ stress bởi một mình chăm hai con, nhiều ngày chỉ ngủ được 2,5 tiếng. Khi em bé khóc, vợ cho con lớn tát đứa nhỏ, đôi lúc bất lực ném con trên giường.
Hai người mẹ trên được bác sĩ điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý, chế độ dinh dưỡng... Một tuần sau, bệnh nhân xuất viện theo dõi ngoại trú, bác sĩ hướng dẫn tập thở kết hợp nghỉ ngơi, kiểm soát hành động, suy nghĩ. Bác sĩ cũng khuyên người chồng quan tâm, chăm sóc con để vợ có thời gian nghỉ ngơi.
Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng nặng nề của trầm cảm sau sinh tới chất lượng cuộc sống, mối quan hệ gia đình, chăm sóc con cái. Phụ nữ sau sinh có biến đổi cảm xúc bao gồm các tình trạng dễ lo lắng, căng thẳng, buồn phiền, thất vọng. Triệu chứng này được gọi là nỗi buồn sau sinh (baby blue). Tuy nhiên, những thay đổi này thường ngắn, tự khỏi không cần điều trị. Trường hợp cảm xúc tiêu cực kéo dài trên hai tuần, kèm mất ngủ, lo âu, suy nghĩ tiêu cực cần thăm khám.
Bác sĩ Dương cho biết trầm cảm sau sinh có thể điều trị mà không cần dùng thuốc ở mức độ nhẹ. Trường hợp nặng, phụ nữ thất vọng về bản thân mình, mất kết nối với con cái, có ý tưởng tìm đến cái chết.
Gia đình, cụ thể là người chồng là chỗ dựa cho người phụ nữ. Bác sĩ khuyến cáo người chồng nên lắng nghe, quan tâm, hỗ trợ để vợ vượt qua những giai đoạn cảm xúc khó khăn. Phụ nữ khi nhận thấy thay đổi trong cơ thể và cảm xúc cần nhờ người thân giúp đỡ, đi khám.
Thanh Ba
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |