Không phải gạo, Ấn Độ cấm xuất khẩu loại hàng hoá quan trọng năm thứ 2 liên tiếp, nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt

Admin

Đây cũng là mặt hàng Việt Nam có sản lượng hơn 1 triệu tấn trong năm 2024.

Không phải gạo, Ấn Độ cấm xuất khẩu loại hàng hoá quan trọng năm thứ 2 liên tiếp, nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nguồn tin chính phủ cho biết Ấn Độ có kế hoạch gia hạn lệnh cấm xuất khẩu đường năm thứ hai liên tiếp do quốc gia tiêu thụ chất tạo ngọt lớn nhất thế giới đối mặt với sản lượng mía đường giảm. New Delhi cũng có kế hoạch tăng giá ethanol từ các nhà máy đường phân phối đến các nhà máy lọc dầu.

Sự vắng mặt của Ấn Độ trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung toàn cầu, đẩy giá đường tiêu chuẩn ở New York và London tăng lên.

New Delhi có kế hoạch cấm các nhà máy xuất khẩu đường khi nguồn cung từ Brazil, nhà sản xuất và cung cấp chất làm ngọt hàng đầu thế giới dự kiến sẽ giảm do hạn hán ở quốc gia Nam Mỹ này.

Một nguồn tin chính phủ cho biết: “Trong kịch bản vụ mùa hiện tại, không còn sản lượng cho xuất khẩu đường. Sau khi đáp ứng nhu cầu đường địa phương, ưu tiên tiếp theo của chúng tôi là pha trộn ethanol và chúng tôi cần nhiều mía hơn để đáp ứng các mục tiêu pha trộn ethanol.”

Để hạn chế lượng khí thải carbon, Ấn Độ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ ethanol trong xăng lên 20% vào năm 2025-26, từ mức 13%-14% hiện nay.

Các nhà máy đường của Ấn Độ như E.I.D.-Parry, Balrampur Chini Mills, Shree Renuka, Bajaj Hindusthan và Dwarikesh Sugar đã tăng công suất sản xuất ethanol của họ trong vài năm qua.

Các nguồn tin cho biết, Chính phủ cũng đang xem xét tăng giá mua ethanol lên hơn 5% cho mùa tiếp thị mới bắt đầu từ tháng 11. Cuối tháng trước, chính phủ cho biết Ấn Độ sẽ cho phép các nhà máy đường sử dụng nước mía hoặc siro để sản xuất ethanol bắt đầu từ tháng 11.

Kế hoạch của Ấn Độ nhằm gia hạn lệnh cấm xuất khẩu đường và tăng giá ethanol trong nước chưa được báo cáo trước đây. Cả hai biện pháp này có thể sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Ấn Độ cũng là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới sau Brazil, đã cấm các nhà máy xuất khẩu chất làm ngọt trong mùa vụ hiện tại bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 2023. Đó là thời gian hạn chế xuất khẩu đường đầu tiên sau 7 năm.

New Delhi chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong mùa vụ trước, gần một nửa tổng lượng hàng xuất khẩu của cả nước trong năm 2021-2022.

Trong năm 2023, giá đường thế giới tăng mạnh và đạt đỉnh 12 năm vào đầu tháng 11 do lo ngại nguồn cung đường toàn cầu thắt chặt bởi hiện tượng thời tiết El Nino (xuất hiện từ đầu quý II/2023) gây hạn hán và mất mùa mía tại Ấn Độ, Thái Lan (lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 về sản xuất và xuất khẩu đường trên thế giới).

Còn tại Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự báo, sản lượng mía đưa vào chế biến trong niên vụ 2023/2024 đạt 10,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và sản xuất được hơn 01 triệu tấn đường thành phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ - mức sản lượng cao nhất kể từ niên vụ 2019/2020 đến nay.

Theo Reuters