Hai thập niên Gameloft nuôi dưỡng nhân tài game Việt
Ngay từ khi bước chân vào Việt Nam, Gameloft tập trung phát triển nguồn nhân sự và đóng góp không nhỏ vào hành trình phát triển của ngành game trong nước thời gian qua.
Hãng phát triển game nổi tiếng toàn cầu, đến Việt Nam năm 2004, thời điểm "bình minh" của Internet. Từ chỗ khái niệm game di động còn xa lạ, sau hai thập kỷ, đơn vị đã phát hành nhiều sản phẩm nổi tiếng, trở thành một phần trong hệ sinh thái ngành game đang ngày càng lớn mạnh. Những "bom tấn" nổi tiếng thế giới như Asphalt 8, Modern Combat, Despicable Me... đều có đóng góp của đội ngũ phát triển từ Việt Nam.
Với Gameloft, Việt Nam là "đất lành", có nhân sự chất lượng, nhiều tiềm năng để khai phá. 20 năm hoạt động trong nước, doanh nghiệp từng bước xây dựng chiến lược con người, khẳng định năng lực vươn tầm quốc tế của đội ngũ.
Năm 1999, nhà phát triển game toàn cầu ra đời tại Pháp với mục tiêu làm ra sản phẩm cho các thiết bị di động. Sau 5 năm, đơn vị có mặt ở Việt Nam với studio đầu tiên tại TP HCM. Thời điểm đó, Internet vẫn là điều xa lạ với phần lớn dân số. Chỉ hơn 6 triệu người được tiếp cận. Tỷ lệ sở hữu điện thoại có thể chơi game cũng không cao.
Gia nhập thị trường tại quốc gia đang phát triển là bước đi mạo hiểm của Gameloft. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc nhân sự khối Đông Nam Á, dù vậy doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tiềm năng từ thị trường này với dân số trẻ, sự ham thích tiếp cận công nghệ hiện đại.
Ba năm đầu, doanh nghiệp thăm dò thị trường. Quy mô nhân sự khoảng 100. Chủ yếu là sản xuất những phần nhỏ cho sản phẩm từ công ty mẹ. Đến năm 2007, đơn vị có khoảng 150 người, bắt đầu nhận những dự án yêu cầu kỹ thuật cao hơn.
Một năm sau, công ty mẹ đưa ra quyết định lớn khi tái cấu trúc cách phát triển sản phẩm, chuyển từ Java sang nền tảng điện thoại cảm ứng, đang dần trở nên phổ biến. Cùng với sự chuyển đổi này, Gameloft Việt Nam bắt đầu quá trình mở rộng quy mô nhân sự, lập thêm chi nhánh tại TP HCM (2008) và Hà Nội (2011) để phát triển những sản phẩm công phu với yêu cầu kỹ thuật khắc khe hơn.
Chỉ thời gian ngắn sau đó, đơn vị đã phát hành trò chơi tự sản xuất 100% đầu tiên mang tên Catch That Dragon, ăn theo bộ phim nổi tiếng "Bí kíp luyện Rồng". Từ chỗ chỉ gia công, sản xuất những cấu phần nhỏ đến tự lên ý tưởng, thiết kế gameplay, đồ họa, lối chơi là nỗ lực lớn của đơn vị.
"Trò chơi này là cách chúng tôi khẳng định với công ty mẹ rằng đội ngũ Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực tự sản xuất, thay vì gia công từng phần", ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Sau cột mốc này, đội ngũ trong nước được giao nhiều dự án hơn. Đơn vị còn thành lập đội ngũ mang tên Gameloft for Brands với hơn 100 nhân sự, chuyên làm những sản phẩm game cho các doanh nghiệp để tạo cách tương tác mới lạ cho người dùng. Các trò chơi này ưu tiên sự vui nhộn, lồng ghép khéo léo các thông điệp về sản phẩm, dịch vụ của các nhãn hàng để chạm đến người dùng theo cách tự nhiên.
Nổi tiếng nhất là Applaydu cho thương hiệu kẹo Kinder. Đây là game giáo dục giúp trẻ em 3-9 tuổi học đếm, làm quen với ngôn ngữ và mở rộng kiến thức xã hội thông qua khám phá thế giới nhân vật đồ chơi của Kinder. Đến nay, đội ngũ Việt đã đứng sau hàng nghìn chiến dịch từ hàng chục thương hiệu lớn khắp thế giới như Ferrero, Coca-Cola, Michellin...
Lúc này, đơn vị vươn xa hơn rất nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Quy mô nhân sự đã tăng gấp 6 lần. Chất lượng đội ngũ ngày càng cao là yếu tố cốt lõi giúp thương hiệu xây dựng vững chắc chỗ đứng trên thị trường.
"Sau 20 năm, tôi tự tin khẳng định nhân sự game Việt đủ khả năng đảm nhận những dự án toàn cầu", Giám đốc nhân sự khối Đông Nam Á khẳng định.
Chiến lược về con người tại Gameloft 20 năm qua không thay đổi. Mục tiêu của thương hiệu là xây dựng "Meaningful Employee Journey" với nghĩa hành trình làm việc đầy ý nghĩa.
Ông Võ Trọng Nghĩa, quản lý sản xuất, có 17 năm gắn bó với Gameloft là người cảm nhận rõ nét về những giá trị này. Gia nhập doanh nghiệp từ lúc còn là thực tập sinh, ông Nghĩa cho biết thời điểm đó, hầu hết nhân sự IT Việt Nam chọn làm web, lập trình phần mềm. Rất ít người rẽ sang mảng game. Chọn thực tập lĩnh vực còn xa lạ, ông như "trang giấy trắng".
Doanh nghiệp cũng nhìn thấy thực tế thị trường lúc bấy giờ nên chọn bước đi là "xây móng" cho nhân sự mới bằng các khóa đào tạo. Gần như trong hai tháng đầu, những nhân sự như ông Nghĩa chỉ tham gia vào các khóa học, những buổi đào tạo kỹ năng từ các chuyên gia, trong đó có cả những chuyên gia quốc tế từ công ty mẹ.
Theo ông Nghĩa, việc được tiếp thu những kiến thức mới từ kinh nghiệm toàn cầu là yếu tố then chốt giúp nhân sự Gameloft nắm bắt xu hướng nhanh, có khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi.
Sau thời gian "học việc", ông được giao nhiều dự án. Điều khiến ông yêu thích là mỗi dự án lại mang đến thách thức và bài toán riêng, đặt nhân sự vào thế luôn phải tìm ra cái mới để phát triển từng ngày. "Môi trường hiện nay ở Gameloft năng động và luôn trao cơ hội để mỗi cá nhân phát triển, đưa ra ý kiến từ đó đóng góp vào thành công chung", ông Nghĩa nhận định.
Đặc thù là lĩnh vực mang tính sáng tạo cao, Gameloft xác định phải tạo môi trường làm việc thoải mái nhất có thể. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn ví hành trình trải nghiệm công việc tại đây như "chơi game". Trong đó, phần mở đầu đủ hấp dẫn sẽ thu hút game thủ tiếp tục chơi, còn nội dung, cốt truyện, gameplay cuốn hút sẽ giữ chân nhân sự gắn bó lâu dài.
Với khâu đầu vào, doanh nghiệp ưu tiên đa dạng hóa nguồn tuyển dụng. Hàng năm, đơn vị phối hợp với các trường đại học để tuyển và đào tạo sinh viên. Đây là nguồn nhân sự trẻ, nhiều năng lượng và tiềm năng để khai phá. Song song đó, với tính chất làm việc với công ty toàn cầu, đơn vị nhắm đến nhân tài quốc tế. Nhóm nhân sự này đóng vai trò cốt lõi trong xu hướng làm việc xuyên biên giới đồng thời chịu trách nhiệm đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho đội ngũ trong nước.
Gameloft xem việc duy trì nhân sự quốc tế và trong nước là cách đáp ứng nhu cầu hiện tại lẫn chuẩn bị nền tảng vững chắc cho tương lai.
"Với những vị trí khó tìm như Game Design, 3D Artist chúng tôi ưu tiên nhân sự quốc tế. Họ sang Việt Nam làm việc và đào tạo lại cho chính đội ngũ trong nước, tạo đà cho sự phát triển về sau", lãnh đạo công ty giải thích và cho biết đến nay nhân viên của Gameloft Việt Nam có đến 14 quốc tịch khác nhau.
Để thu hút nhân tài từ các quốc gia, theo Gameloft, cơ chế về lương là không đủ. Thay vào đó, công ty phải thực sự tạo dựng được môi trường làm việc lý tưởng, năng động, mang tầm quốc tế.
Đầu tiên là không gian văn phòng thiết kế như một quán cà phê sang trọng, không gian mở, không vách ngăn. Chính giữa là quầy minibar với nhiều món đồ uống hấp dẫn. Mọi nhân viên không có chỗ ngồi cố định mà tự do chọn góc thoải mái nhất, có thể dễ dàng nhìn thấy nhau, trao đổi công việc thuận tiện hơn.
Không gian vượt khỏi những hình mẫu của văn phòng truyền thống theo đại diện doanh nghiệp giúp kích thích tính sáng tạo, sự kết nối của nhân sự.
"Có đầy đủ bộ phận sáng tạo game cũng là điểm khác biệt để hút nhân tài trong ngành thay vì mua bản quyền và Việt hóa như phần lớn studio hiện nay", đại diện đơn vị nói.
Bên cạnh các chính sách chăm sóc sức khỏe thông thường, mỗi nhân viên sẽ có thêm 5 ngày nghỉ để chăm sóc bản thân, gia đình, được hỗ trợ thu nhập cả khi nghỉ thai sản. Cơ chế "hybrid working" (làm việc từ xa) cho phép nhân viên tự chọn hai ngày làm việc tại nhà, ba ngày lên văn phòng. Đơn vị cũng tổ chức các chương trình đào tạo định kỳ với đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước hay tài trợ học bổng cho thành viên dự các khóa học quốc tế thịnh hành để nắm bắt mọi xu hướng mới.
Với nữ giới, công ty mang đến hàng loạt câu lạc bộ như yoga, gym, nấu ăn, flea market, hội thảo sức khỏe gia đình... giúp tạo sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Hàng quý, công ty có những giải thưởng nội bộ dành cho cá nhân, tập thể xuất sắc để khuyến khích sự đóng góp. Ngoài ra, đánh giá cơ hội thăng tiến sẽ không dựa trên thâm niên và theo năng lực.
Chị Nga Đặng, Quản lý dự án sản xuất game tại Studio Hà Nội, gia nhập doanh nghiệp từ lúc còn là thực tập sinh. Nhiều năm gắn bó, chị luôn cảm nhận môi trường làm việc đầy sức sống gần như không cảm nhận khó khăn gì dù là nhân sự nữ. Ở mỗi dự án, nữ quản lý luôn cảm nhận được sự gắn kết và tinh thần tự học rất cao. Đội ngũ cũng sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết những bài toán chung.
Nhờ các chính sách quản trị trên, nhân sự hình thành được liên kết mạnh hơn với doanh nghiệp, luôn muốn gắn bó và phát triển bản thân. Đội ngũ cũng trở nên năng động, linh hoạt trong nắm bắt các xu hướng, đáp ứng những bài toán thị trường ngày càng cao hơn.
Thị trường game toàn cầu phát triển chóng mặt trong 20 năm. Từ xu hướng 2D đơn giản trên điện thoại phím bấm, game lần lượt đạt đến 3D, VR, AR và AI với lượng người chơi đến con số hàng tỷ.
Dù ở xu hướng nào, đội ngũ của Gameloft cả Việt Nam lẫn toàn cầu đều có thể đáp ứng. Chính sách nhân sự hiện tại giúp đơn vị nuôi dưỡng thế hệ nhân tài, đóng góp vào bức tranh chung của ngành.
Theo thống kê của đơn vị tháng 1/2024, đội ngũ nhân sự hiện tại đạt 613 người với 14 quốc tịch. 28% là nữ - mức khá cao so với mặt bằng chung của lĩnh vực công nghệ.
83% nhân viên thích thú với môi trường làm việc. 88% yêu thích chính sách hybrid working và có đến 92% thích các chương trình xây dựng sự gắn kết đội ngũ. Nhờ chính sách ghi nhận và thăng tiến theo năng lực, 82% nhân sự từ cấp quản lý trở lên thuộc thế hệ Millennials và Gen Z.
Cơ cấu đội ngũ trẻ giúp doanh nghiệp năng động, thích ứng tốt hơn với các thay đổi về công nghệ. CTO Laurent Lê, Việt kiều Pháp, từng có kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, cảm thấy bất ngờ khi trở về và gia nhập đội ngũ.
"Theo tôi, đội ngũ trong nước có năng lực không thua kém các nước lớn như Pháp, Mỹ", ông Laurent đánh giá.
Đến nay, bên cạnh đội ngũ phát tiển các sản phẩm game thuần túy, công ty hình thành hai nhóm chuyên biệt là Gameloft for Brands và Gameloft Business Solutions. Nhóm Gameloft Business Solutions là đội ngũ mới, chuyên phát triển sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp, như game dành riêng cho màn hình giải trí trên ôtô, smartTV của các hãng công nghệ...
Theo ông Laurent Lê, thị trường trò chơi chuyển biến từng ngày nhưng cũng dần bão hòa với sự gia nhập của rất nhiều studio mới. Để phát triển, từ chỗ chỉ sản xuất trên di động, đơn vị giờ đặt những mục tiêu lớn hơn khi định hướng đưa game lên đa nền tảng như PC, Console. Ngoài ra, kỳ vọng còn nằm ở việc duy trì sức hút, vòng đời lâu dài cho những trò chơi nổi tiếng như Asphalt Series.
Để duy trì vòng đời cho sản phẩm, đơn vị sẽ liên tục phát triển các bản cập nhật, sửa lỗi, thêm nhiều tính năng mới đồng thời tạo cách tương tác thú vị hơn cho người dùng. Đội ngũ RnD cũng đang nghiên cứu nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới như AI. Trong đó, AI có thể hỗ trợ trong việc kiểm tra tính đúng đắn của các dòng code, hoặc tạo nên nhiều kịch bản game mang tính cá nhân hóa, tùy theo cách chơi của mỗi game thủ.
Trong tiến trình phát triển này, đội ngũ nhân sự đủ năng lực là yếu tố định hình sức sống doanh nghiệp trong lâu dài. Gameloft tiếp tục kiên định với chiến lược nhân sự dựa trên hai yếu tố là build (xây dựng từ bên trong) và buy (liên tục tìm kiếm những tài năng bên ngoài).
"Bước sang thập kỷ thứ ba, chúng tôi đủ tự tin với năng lực hiện tại, doanh nghiệp sẽ đi nhanh và xa hơn", lãnh đạo đơn vị nói.
Với sự đầu tư nghiêm túc, Gameloft Việt Nam nhận giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" và "Nơi làm việc công bằng, đa dạng, hoà nhập" từ HR Asia, đầu tháng 8/2024.
Nội dung: Hoài Phương | Thiết kế: Thái Hưng