Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng đông lạnh

Admin

Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Việt Nam vừa ký nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc xuất khẩu nông sản, trong đó có trái sầu riêng sang thị trường này. Đây là cơ hội tốt cho người trồng sầu riêng và doanh nghiệp ở Đồng Nai nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn thứ 4 của cả nước.

Xin cấp mã số cơ sở nhà máy chế biến

Mỗi năm, Công ty Xuất Nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng xuất khẩu gần 3.000 tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc và khoảng 2.700 tấn sầu riêng đông lạnh sang Thái Lan.

Ông Nguyễn A Vùng - Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng cho biết, để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, doanh nghiệp đã làm thủ tục xin cấp mã số cơ sở nhà máy chế biến.

Trong khi chờ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xem xét thủ tục để chuyển sang Trung Quốc, thì doanh nghiệp cũng chỉnh trang lại hệ thống kho đông lạnh, nhà máy chế biến và sẵn sàng cho những đơn hàng đầu tiên ngay khi nhà máy được cấp mã số.

Sầu riêng ở Đồng Nai đã kết thúc vụ thu hoạch, nhưng ở Đắk Lắk, nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước đang vào vụ thu hoạch rộ. Ông Nguyễn A Vùng cho hay, doanh nghiệp đã mua được gần 3.000 tấn sầu riêng ở đây. Số trái sầu riêng này đang được đưa về ủ chín, bóc tách múi, cơm và cấp đông, trữ đông ở nhà máy của công ty.

Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng đông lạnh- Ảnh 1.

Công ty Xuất Nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng đang bóc tách múi, cơm và cấp đông, trữ đông (Ảnh: Lệ Hằng)

Hiện nay, đang vào chính vụ sầu riêng ở Tây Nguyên, Đắk Lắk nên doanh nghiệp mong cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sớm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp các tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Từ đó, doanh nghiệp hoàn thiện về thủ tục, công nghệ, máy móc, sản phẩm…để đón đầu xuất khẩu khi chính thức được cấp mã số cơ sở nhà máy sơ chế.

Không thu hoạch sầu riêng sớm

Đồng Nai có 10 doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc được cấp mã số cơ sở đóng gói và 4 doanh nghiệp đang xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Thái Lan.

Cũng như Công ty Xuất Nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai chuẩn bị kho lạnh, nhà máy sơ chế ...và xúc tiến thủ tục để có cơ hội xuất khẩu sản phẩm đông lạnh này. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn sớm được hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục, điều kiện để chủ động đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Còn người trồng sầu riêng ở Đồng Nai, sau vụ thu hoạch, nông dân đang hào hứng chăm sóc cây cho mùa vụ tới và đón cơ hội mới.

Nhiều nông dân cũng tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng phân bón, thuốc theo quy định của mã số vùng trồng. Hiện trái sầu riêng đang mang lại nguồn lợi lớn, nên nhiều người cũng ý thức được việc xây dựng thương hiệu, chất lượng cho trái cây này.

Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng đông lạnh- Ảnh 2.

Sầu riêng doanh nghiệp mua về sau đó phân loại để ủ chín (Ảnh: Lệ Hằng)

Anh Nguyễn Bảo Ân, người trồng sầu riêng ở phường Xuân Lập, TP. Long Khánh cho rằng, nông dân phải tuyệt đối tuân thủ quá trình xử lý, chăm sóc cây sầu riêng.

Nông dân phải kiên quyết không cho thương lái, doanh nghiệp thu hoạch sớm, trái non chưa đủ tuổi, khi thu hoạch trái phải đủ tuổi, độ già, đảm bảo chất lượng thì mới được thu hoạch. Vấn đề này thì chỉ có người nông dân mới quản lý được vườn của mình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng để giữ thương hiệu trái sầu riêng của Đồng Nai và Việt Nam.

Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng đông lạnh- Ảnh 3.

Trái sầu riêng thu hoạch phải đủ tuổi, độ già mới đảm bảo chất lượng ngon (Ảnh: Lệ Hằng)

Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động đáp ứng những quy định, điều kiện và yêu cầu của nước nhập khẩu, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: Sở sẽ trao đổi kĩ với cơ quan chức năng của Bộ về những nội dung của Nghị định thư để hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, Sở cũng sẽ hướng dẫn, tập huấn cho người lao động làm việc ở cơ sở chế biến sầu riêng này những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở sẽ tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các chủ doanh nghiệp. Dựa trên điều kiện hiện tại của doanh nghiệp, họ sẽ tìm cách để cải thiện các điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc làm sao đạt các tiêu chuẩn HACCP, ISO2022… nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc là cơ hội tốt cho nông sản Việt Nam, vì thị trường này rất tiềm năng. Hiện nay, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt cơ hội này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ kịp thời hơn của cơ quan chức năng để hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là khi vùng nguyên liệu sầu riêng lớn nhất của cả nước ở Tây nguyên đang vào mùa thu hoạch.