Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Trung Hiếu, khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cà phê giàu chất chống oxy hóa, cải thiện chức năng não bộ... Tuy nhiên, uống cà phê khi bụng đói có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Viêm loét, trào ngược dạ dày
Cà phê có tính axit cao, uống lúc bụng đói dễ làm tăng sản xuất axit dạ dày. Lượng axit thừa này gây cảm giác khó chịu, ợ nóng, trào ngược axit, loét dạ dày. Theo thời gian, nồng độ axit dạ dày cao làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng như viêm loét dạ dày. Với người có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng, thói quen này khiến bệnh tiến triển nhanh, khó điều trị hơn.

Uống cà phê khi chưa ăn sáng có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa. Ảnh minh họa: Hằng Trần
Gây rối loạn lo âu
Một tách cà phê chứa trung bình 80-100 mg caffeine có thể kích thích hoạt động thần kinh trung ương, thậm chí có thể gây rối loạn lo âu. Uống cà phê khi đói khiến cơ thể hấp thụ caffeine nhanh và nồng độ caffeine trong máu tăng đột ngột tạo cảm giác bồn chồn, lo lắng, tim đập nhanh hoặc run tay do hệ thần kinh kích thích thái quá.
Caffeine trong cà phê cũng làm tăng nồng độ cortisol, có thể gây ra căng thẳng mạn tính. Bởi caffeine kích hoạt giải phóng adrenaline, một loại hormone mang lại cảm giác hưng phấn trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó kéo dài ở mức thấp. Sau một đêm dài cơ thể không nạp năng lượng, do vậy không nên coi cà phê là bữa ăn sáng đầu tiên.
Béo bụng và rối loạn chuyển hóa
Khi bụng đói, cà phê kích thích tuyến thượng thận sản xuất cortisol. Bình thường, nồng độ cortisol trong máu tăng cao vào buổi sáng giúp cơ thể tỉnh táo. Tuy nhiên, khi uống cà phê lúc đói, lượng cortisol có thể tăng vượt ngưỡng an toàn, gây rối loạn nội tiết, nhất là ở phụ nữ. Mức cortisol cao kéo dài có thể liên quan đến tích mỡ vùng bụng, đặc biệt nếu thường xuyên stress hoặc ăn uống không điều độ. Duy trì mức cortisol cao trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chuyển hóa.
Tăng đường huyết
Nhiều người sau khi uống cà phê vào lúc đói cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp là do cơ thể phản ứng với sự thiếu hụt năng lượng do rối loạn chuyển hóa. Uống cà phê khi bụng rỗng có thể làm thay đổi phản ứng insulin trong cơ thể, nhất là người có nguy cơ tiểu đường. Nếu uống cà phê lúc chưa ăn sáng, cơ thể giảm khả năng kiểm soát đường huyết dẫn đến glucose trong máu tăng nhẹ.
Cà phê không gây hại nếu dùng đúng cách. Uống cà phê với liều lượng hợp lý (1-2 tách mỗi ngày), đúng thời điểm và sau bữa ăn. Thậm chí cà phê có thể mang lại nhiều lợi ích như tăng khả năng tập trung, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, cải thiện chuyển hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Chuyên viên dinh dưỡng Trung Hiếu khuyến cáo không nên uống cà phê khi vừa thức dậy, nhất là trong 30-60 phút đầu tiên. Nên uống cà phê vào khoảng thời gian 9h-10h sau khi cortisol tự nhiên trong cơ thể tăng lên và sau khi dùng bữa sáng.
Ăn sáng trước khi uống cà phê dù là bữa ăn nhẹ với bánh mì, chuối, sữa chua cũng giúp trung hòa axit dạ dày và tránh cảm giác bồn chồn, hồi hộp hoặc gây mất ngủ. Hãy ngưng dần hoặc điều chỉnh cách uống cà phê ngay khi có triệu chứng bất thường như đau dạ dày, hồi hộp, bồn chồn hoặc mất ngủ kéo dài.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |