Cảnh giác fanpage mạo danh công an hỗ trợ 'lấy lại tiền bị lừa'

Admin

Nhiều trang Facebook tích xanh, mạo danh các Cục nghiệp vụ (Bộ Công an) để lừa đảo bằng thủ đoạn "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa".

Nhiều fanpage mạo danh Bộ Công an vẫn có tích xanh để tạo dựng uy tín. Ảnh: Cục ATTT.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông - tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý.

Trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, người dùng cần thường xuyên cảnh giác, bảo vệ bản thân trên không gian mạng để tránh bị lừa chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh công an hỗ trợ "lấy lại tiền bị lừa"

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số trang giả mạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Những fanpage có tích xanh nhằm tạo dựng uy tín, dễ dàng tiếp cận và lừa đảo người dùng.

Về nội dung, các trang này đăng video và bài viết cảnh báo những phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, chúng còn lồng ghép quảng cáo dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa, cam kết chỉ thu phí sau khi nạn nhân lấy lại số tiền đã mất.

Đáng nói, những trang giả mạo được xác thực tích xanh, tạo dựng uy tín giả nhằm đánh lừa người dân, đặc biệt là những người từng bị lừa, khao khát lấy lại tiền.

Lay lai tien bi lua anh 1

Cảnh giác trước các tài khoản mạo danh công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa. Ảnh: Cục ATTT.

Do quá tin tưởng, nhiều người đã liên hệ các trang này. Đối tượng mạo danh hứa thu hồi tiền nhanh chóng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để “được hỗ trợ”. Hậu quả là số tiền trước đó không thể lấy lại, nạn nhân còn mất thêm tiền cho kẻ lừa đảo.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục ATTT khuyến cáo người dân thận trọng và cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo. Tuyệt đối không liên hệ những trang quảng cáo dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo" hay "thu hồi tiền lừa đảo".

Trước khi tin tưởng, hãy kiểm tra danh tính và độ uy tín của cá nhân/tổ chức cung cấp dịch vụ. Không truy cập liên kết hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không làm theo hướng dẫn và yêu cầu của đối tượng không rõ danh tính.

Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm như số CCCD, mã OTP, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản… dưới mọi hình thức.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa, người dân cần lập tức báo cáo cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Mạo danh nhân viên Viettel để lừa đảo

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa khởi tố và bắt tạm giam 5 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra ban đầu, từ tháng 5/2024, Hoàng Văn Hùng (34 tuổi), Trần Công Hoàn (24 tuổi), Trần Công Dung (33 tuổi) và Trần Công Tuấn (28 tuổi, cùng ngụ thôn Xuân Hà, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) lên kế hoạch lừa đảo bằng cách sử dụng số điện thoại "rác" (SIM không chính chủ), gọi ngẫu nhiên đến nhiều người để tìm kiếm nạn nhân.

Khi có người nghe máy, chúng tự xưng nhân viên của Viettel, thông báo nạn nhân trúng thưởng phần quà lớn như tiền mặt và xe máy SH, trong chương trình tri ân khách hàng của công ty Viettel.

Do nhẹ dạ cả tin, nhiều người nghe theo lời tư vấn của các đối tượng, chuyển một số tiền dưới hình thức mua thẻ cào điện thoại để "đóng phí" và "làm thủ tục nhận thưởng".

Lay lai tien bi lua anh 2

Cảnh báo chiêu trò mạo danh nhân viên Viettel để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Sau khi nạn nhân mua và cung cấp mã thẻ, các đối tượng nhanh chóng chuyển mã thẻ đến Đinh Thị Thơm (48 tuổi, ngụ xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) để bán và chia nhau số tiền chiếm đoạt.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là thông báo trúng thưởng, lợi dụng tên tuổi các tổ chức, công ty lớn để tạo lòng tin. Chúng thường yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân (CCCD, tài khoản ngân hàng, mật khẩu…) và chuyển phí để nhận thưởng, thậm chí tạo áp lực thời gian, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền sớm nếu không muốn mất giải thưởng.

Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân thận trọng và cảnh giác trước những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc mời tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí.

Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ các trang thông tin chính thống. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không chuyển tiền cho người lạ.

Ngoài ra, không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức. Không truy cập các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Nở rộ nhiều thủ đoạn lừa đảo

Ngày 28/9, Công an thị xã Buôn Hồ phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Đắk Lắk) đấu tranh, triệt phá thành công và bắt giữ 2 đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trên mạng.

Từ tháng 2/2024, đối tượng khai nhận lập trang web giả mạo bình chọn cuộc thi vẽ tranh, dùng ứng dụng Messenger gửi đường link có tên miền “weebly.com” kèm tin nhắn nhờ mọi người tham gia bình chọn.

Khi người dùng nhấn vào đường link, nhập tên tài khoản và mật khẩu thì những thông tin sẽ được lưu lại. Từ đó, đối tượng chiếm quyền truy cập tài khoản Facebook, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng có tên trùng với chủ tài khoản Facebook và chiếm đoạt tiền.

Trước tình hình lừa đảo, Cục ATTT khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác. Không truy cập liên kết hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không làm theo hướng dẫn và yêu cầu của đối tượng không rõ danh tính. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu tài khoản dưới bất kỳ hình thức.

Lay lai tien bi lua anh 3

Cảnh giác chiêu trò gửi tin nhắn bình chọn cuộc thi vẽ tranh và mạo danh công ty vận tải xe bus. Ảnh: Cục ATTT.

Với thủ đoạn lừa đảo khác, người dân sống tại Brighton (Anh) gần đây cho biết mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo ưu đãi giá vé định kỳ 6 tháng đến từ công ty xe bus địa phương. Đây thực chất là chiêu trò lừa đảo, được sử dụng để chiếm đoạt thông tin nạn nhân.

Các đối tượng tạo lập tài khoản với logo công ty vận tải bus, đăng thông tin về lộ trình các tuyến xe lên Facebook và X. Sau khi thu hút lượng tương tác nhất định, chúng đăng bài quảng cáo mua vé giảm giá 50%.

Khi truy cập link, người dùng được chuyển đến website giả mạo, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thẻ tín dụng để mua vé trực tuyến.

Trước thực trạng lừa đảo, Cục ATTT khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ các sản phẩm được quảng cáo giá rẻ bất thường, nhiều ưu đãi và diễn ra trong thời gian ngắn. Cẩn trọng xác minh tính chính thống của chương trình khuyến mãi qua số điện thoại hoặc cổng thông tin của công ty chủ quản.

Trong khi đó, nhiều người dùng tại Ấn Độ nhận cuộc gọi từ kẻ mạo danh Cơ quan Quản lý Viễn thông. Ban đầu, chúng sử dụng hệ thống tự động, thông báo số điện thoại của nạn nhân sắp bị khóa, yêu cầu bấm phím “9” để gặp nhân viên hỗ trợ.

Tiếp theo, đối tượng nói rằng số điện thoại của nạn nhân bị báo cáo có dấu hiệu gửi tin nhắn rác, chứa nội dung quấy rối. Để xác thực, nạn nhân được yêu cầu cung cấp họ tên, địa chỉ, số căn cước… Với giọng điệu cấp bách, khẩn trương, nhiều nạn nhân nhanh chóng làm theo lời của đối tượng lừa đảo.

Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận cuộc gọi nội dung như trên. Khi được tiếp cận, người dân cần bình tĩnh xác minh kỹ danh tính người gọi, đơn vị công tác qua số điện thoại chính thống. Tuyệt đối không cung cấp thông tin nhạy cảm, không đóng phí hoặc chuyển tiền cho đối tượng lạ.

Lay lai tien bi lua anh 4

Cảnh giác hình thức lừa đảo mạo danh cơ quan quản lý viễn thông. Ảnh: Cục ATTT.

Lừa đảo trực tuyến thường gây thiệt hại lớn. Theo thống kê của Gogolook, những vụ lừa đảo tại Malaysia trong một năm gây thiệt hại 12,8 tỷ USD, tương đương khoảng 3% GDP quốc gia này.

Theo khảo sát trên 1.200 người dân Malaysia, 74% cho biết từng gặp các vụ lừa đảo ít nhất 1 lần/tháng. Trong đó, hơn 30% từng bị mất tiền. Số lượng nạn nhân có thể lấy lại tiền chỉ chiếm 2%, giảm mạnh so với 8% của năm trước. Gogolook thừa nhận lượng nạn nhân có thể cao hơn, do 70% người không báo cáo vụ việc với chính quyền.

Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức trước tình trạng lừa đảo nở rộ. Liên tục cập nhật thông tin về các hình thức mới, biện pháp phòng ngừa thông qua nguồn đáng tin cậy và trang web bảo mật.

Khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.