Cần nghiên cứu bộ quy tắc về đạo đức, trách nhiệm trong phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0

Admin

(Chinhphu.vn) - Chúng ta cần nghiên cứu các bộ quy tắc về đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ 4.0, công cụ hỗ trợ thực hành và đánh giá việc áp dụng các bộ quy tắc này, đồng thời phòng ngừa, ứng phó các tác động tiêu cực đến xã hội, con người Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh như trên tại Hội thảo "Đánh giá Chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia 'Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghệ 4.0', mã số KC-4.0/19-25, giai đoạn 2019-2023 và định hướng giai đoạn đến năm 2030" do Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức chiều 11/11.

Đã làm chủ, ứng dụng một số công nghệ chủ chốt 4.0 mà Việt Nam có lợi thế

Thực hiện chỉ đạo tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 17/9/2018, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0".

Sau 4 năm triển khai, đã có hơn 500 đề xuất đăng ký tham gia Chương trình, trong đó đã lựa chọn, triển khai 74 nhiệm vụ. 

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25 cho biết, về tổng thể, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, phát triển, làm chủ và ứng dụng một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà chúng ta có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất, kinh doanh, như y tế, nông nghiệp, tài nguyên môi trường...

Điển hình như các nhiệm vụ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đã hỗ trợ chẩn đoán và dự báo dịch tễ địa không gian bệnh lao phổi bằng ảnh X-quang, hay hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới trong phát hiện đột biến gene liên quan đến sự đáp ứng của thuốc điều trị một số loại ung thư phổ biến tại Việt Nam…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm các nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ và ứng dụng AI trong phân tích, dự báo, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới, phân bón, quản lý sâu bệnh và chiếu sáng, áp dụng thử nghiệm cho sản xuất cây thanh long; ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý truy xuát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm của mật ong, hạt tiêu...

Hầu hết các nhiệm vụ đều có sản phẩm ứng dụng thực tế tại một tổ chức, doanh nghiệp. thông qua chương trình, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học từng bước được nâng cao, hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ của công nghiệp 4.0; một số nhiệm vụ có sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế: Vấn đề nghiên cứu (đối tượng nghiên cứu) cơ bản vẫn dựa trên đề xuất của các đơn vị/doanh nghiệp; chưa có điều kiện để định hướng, hình thành các nhiệm vụ theo chuỗi công nghệ/giá trị; có hướng đến/đích đến đủ tầm ở dài hạn. Đây cũng là vấn đề chung đối với các nghiên cứu ở Việt Nam.

Các đối tượng tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tiềm lực của các đơn vị nghiên cứu còn hạn chế; với các doanh nghiệp (cỡ vừa và nhỏ) chủ yếu ứng dụng công nghệ, chứ không phát triển được công nghệ, chưa có điều kiện nhân rộng kết quả…

Ngoài ra, do tác động của đại dịch COVID-19 một số nhiệm vụ của Chương trình đã bị ảnh hưởng, dẫn đến chậm tiến độ triển khai, đặc biệt là một số nhiệm vụ có yêu cầu thu thập dữ liệu thực tế. Vì vậy, một số nhiệm vụ thuộc Chương trình đang phải gia hạn thực hiện thêm từ 6 tháng đến 1 năm.

Theo đó, Ban Chủ nhiệm Chương trình, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN đã nghiên cứu, báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&CN cho phép làm các thủ tục để gia hạn thực hiện Chương trình đến năm 2030, đồng bộ với các Chương trình đang triển khai.

Tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về phạm vi, đối tượng để phù hợp với tình hình mới hiện nay. Việc điều chỉnh sẽ căn cứ tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển của các công nghệ; rà soát các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm không có sự trùng lặp với nội dung các chương trình khác đã phê duyệt, đang triển khai; bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ mới phát sinh theo các văn bản, chỉ đạo mới...

Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính 

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân, Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25, số lượng các đề tài từ Đà Nẵng trở vào Nam tham gia Chương trình còn khiêm tốn. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu, khả năng thu hút đầu tư xã hội của các viện, trường phía Nam, số sản phẩm giành giải cao ở khu vực này rất lớn.

Ông Vũ Hải Quân đề xuất cải cách thủ tục hành chính để nhà khoa học có thể nộp hồ sơ trực tuyến. Bởi nếu nộp bằng giấy sẽ làm chậm quá trình đăng ký đề tài, đặc biệt là đối với các nhà khoa học ở phía Nam. Về đầu ra nghiên cứu, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM góp ý các công trình cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể, sản phẩm có sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã trình bày kết quả nghiên cứu của một số đề tài, nhiệm vụ trong Chương trình, như: Hệ thống AI tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí; ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam; hệ thống giám sát và dự báo, cảnh báo chất lượng không khí trên cơ sở thu thập, tích hợp dữ liệu đa nguồn, thí điểm cho một đô thị lớn…

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, sau hơn 4 năm triển khai, với nỗ lực của Ban Chủ nhiệm Chương trình và các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, Chương trình đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, việc triển khai Chương trình cũng gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có sự đánh giá nghiêm túc để định hướng cho việc triển khai giai đoạn tới.

Bộ trưởng đề nghị Ban Chủ nhiệm cần làm rõ các nội dung trọng tâm của Chương trình cho giai đoạn tới, trong đó, cần bám sát nhu cầu thực tiễn và các định hướng của Đảng và Nhà nước và đồng thời phải bảo đảm được tính kế thừa, phát huy được điểm mạnh của Chương trình ở giai đoạn vừa qua.

Bên cạnh đó, cần làm rõ khung Chương trình giai đoạn tới theo hướng tới làm chủ, phát triển các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; hỗ trợ phát triển và đổi mới các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số.

Ngoài ra, cần có các nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, xây dựng và cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thời gian qua, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có nhiều thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng và triển khai các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 (như công nghệ AI).

Do đó, Chương trình cũng cần nghiên cứu các bộ quy tắc về đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ 4.0, cũng như công cụ hỗ trợ thực hành và đánh giá việc áp dụng các bộ quy tắc này để tạo thuận lợi, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời phòng ngừa, ứng phó các tác động tiêu cực đến xã hội, con người Việt Nam.

Hoàng Giang