9 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh

Admin

Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu, phổi, đường ruột có nguy cơ tổn thương nhiều cơ quan quan trọng, nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng sơ sinh có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Bệnh có thể gây ra triệu chứng như rối loạn thân nhiệt, sốt, thở nhanh, khó thở, loạn nhịp tim, vàng da, phát ban, bú kém, chướng bụng, tay chân lạnh, da tái nhợt, li bì...

ThS.BS Trịnh Thanh Lan, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, tình trạng nhiễm trùng lan rộng dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nguy cơ tổn thương các cơ quan nội tạng. Nhiễm trùng sơ sinh có khả năng xảy ra ở nhiều vị trí, cơ quan khác nhau trên cơ thể. Do đó, cha mẹ phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

Nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết) là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sinh non, nhẹ cân trong tuần đầu sau sinh. Nhiễm trùng huyết tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu đi khắp cơ thể, làm tổn thương nhiều cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, gan, thận. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của nhiễm trùng huyết là viêm màng não, thường khiến trẻ tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng phổi

Trẻ hít phải nước ối, sinh non cần được thở máy kéo dài sau sinh dễ bị nhiễm trùng phổi. Vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, gây khó thở, thở nhanh, thở rên, rút lõm lồng ngực, tím tái quanh môi, đầu chi, sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, bỏ bú, li bì.

Vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong nhu mô phổi có khả năng gây viêm phế nang, tổn thương đường thở, rối loạn trao đổi khí nghiêm trọng. Trường hợp nặng có thể phát triển hội chứng suy hô hấp cấp, tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi, áp xe phổi, sẹo xơ phổi, suy hô hấp mạn... cần sự hỗ trợ tích cực, lâu dài.

Bác sĩ Lan siêu âm tại giường kiểm tra sức khỏe trẻ sinh non tại Đơn vị Hồi sức Sơ sinh (NICU). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Lan siêu âm tại giường kiểm tra sức khỏe trẻ sinh non tại Đơn vị Hồi sức Sơ sinh (NICU). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm màng não

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh là tình trạng màng bao bọc não và tủy sống bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus. Các dấu hiệu ban đầu thường không điển hình, có thể bao gồm sốt hoặc hạ thân nhiệt, bú kém, li bì, khóc thét, thóp phồng, co giật, nôn trớ. Bệnh có thể tiến triển rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm như tổn thương não, chậm phát triển trí tuệ, áp xe não, sốc nhiễm trùng...

Nhiễm trùng đường ruột

Nhiễm trùng đường ruột khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, phân nhầy máu, nôn trớ, bụng chướng, quấy khóc, sốt cao. Tình trạng này kéo dài dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, viêm ruột hoại tử, thủng ruột...

Nhiễm trùng da

Bệnh thường biểu hiện ban đầu bằng các tổn thương da bao gồm mụn mủ, mảng đỏ, phồng rộp hoặc vết loét ở bất kỳ vị trí trên cơ thể trẻ sơ sinh. Nhiễm trùng da gây ngứa, khó chịu khiến trẻ quấy khóc. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có khả năng lan rộng và sâu hơn, tạo thành ổ áp xe dưới da hoặc viêm mô tế bào, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, hoại tử da.

Nhiễm trùng rốn

Kẹp, cắt rốn không đúng cách hoặc chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh khiến trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng. Vi khuẩn xâm nhập vào vùng rốn, gây viêm nhiễm tại chỗ với biểu hiện như rốn ướt, có mủ, sưng đỏ, chảy dịch có mùi hôi, lan rộng ra vùng da xung quanh. Trong trường hợp nặng, vi khuẩn có thể theo đường máu dẫn đến nhiễm trùng huyết khiến trẻ sốt cao, bỏ bú, li bì, thở nhanh, da xanh tái. Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng rốn là viêm tĩnh mạch rốn, có thể dẫn đến áp xe gan, nhiễm trùng màng bụng. Trẻ còn có nguy cơ thoát vị rốn nhiễm trùng hoặc viêm phúc mạc, cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp.

Nhiễm trùng đường tiểu

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh này gồm sốt cao, tiểu ít, tiểu buốt, quấy khóc khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi hoặc đục. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm bàng quang, viêm niệu đạo, nguy cơ lan lên gây viêm thận cấp, sẹo nhu mô thận, viêm thận mạn tính...

Nhiễm trùng tai

Vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong tai có thể gây viêm nhiễm, dẫn đến thủng màng nhĩ, tổn thương cấu trúc trong tai ảnh hưởng đến thính giác về sau. Nếu nhiễm trùng tai sơ sinh nặng có thể khiến trẻ có nguy cơ viêm xương chũm, viêm màng não.

Nhiễm trùng mắt

Trẻ nhiễm trùng mắt thường có dấu hiệu điển hình gồm mắt đỏ, sưng mi mắt, chảy dịch mủ, viêm kết mạc. Tình trạng này kéo dài có thể biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, mù lòa.

Giản Đơn - Ngọc Châu

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp