Sốc phản vệ nặng sau ăn nhộng tằm

Admin

Lào CaiSau ăn nhộng tằm, người đàn ông ngoài 40 tuổi khó thở, tím tái toàn thân, khi vào viện đã nguy kịch, nồng độ oxy trong máu giảm thấp.

Ngày 22/5, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ 3 (mức độ nặng) do ăn nhộng tằm.

Kíp trực xử trí cấp cứu theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ, người bệnh qua nguy kịch. Hiện chưa rõ nguồn gốc nhộng tằm và số lượng thực phẩm bệnh nhân ăn.

Bác sĩ Hoàng Văn Chung, người trực tiếp tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân, cho biết có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc nhộng tằm. Giả thiết thứ nhất có thể là mua phải nhộng tằm đã bị ôi hỏng, khiến chất đạm trong thực phẩm bị phân hủy, không còn giá trị dinh dưỡng và sinh ra độc tố. Ngoài ra, nhộng tằm bị ngâm hóa chất để làm căng và có vẻ ngoài ngon mắt, dễ bán hơn. Một nguyên nhân khác là người dùng dị ứng với chất Natri sunfit trong nhộng.

Nhộng tằm là món ăn yêu thích của nhiều người. Ảnh minh họa: Bùi Thủy

Nhộng tằm là món ăn yêu thích của nhiều người. Ảnh minh họa: Bùi Thủy

Sốc phản vệ có thể gặp mọi lứa tuổi, mọi trường hợp và không chỉ do dùng thuốc, có thể ăn thức ăn lạ (tôm, cua, ghẹ, côn trùng...), côn trùng đốt, tiếp xúc chất lạ. Sốc phản vệ xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.

Để đề phòng ngộ độc nhộng tằm, bác sĩ khuyên người tiêu dùng khi mua nhộng tằm về chế biến thức ăn cần chú ý chọn mua loại nhộng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua những mớ nhộng nghi ngờ để lâu, đã ôi hỏng, không có nguồn gốc của những người bán rong. Những người có cơ địa hay bị dị ứng càng cần thận trọng với loại thức ăn này, tốt nhất là không ăn đề phòng dị ứng.

Thúy Quỳnh