63 giáo viên tố bị 'bùng tiền' hỗ trợ học thạc sĩ, Sở Nội vụ nói gì?

Admin

Liên quan đến nội dung phản ánh của một số giáo viên ở Hà Nội về việc không được cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học, Sở Nội vụ Hà Nội vừa có công văn báo cáo UBND thành phố.

Sở Nội vụ Hà Nội cho hay từ năm 2003, Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng TP Hà Nội được thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu ưu đãi, khuyến khích, trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Đối tượng được hưởng kinh phí từ quỹ ưu đãi của TP cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn cũng như thực hiện đúng, đủ quy trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ.

Quyết định cử đi đào tạo sau đại học của UBND thành phố là căn cứ pháp lý để Quỹ ưu đãi và khuyến khích đào tạo tài năng TP Hà Nội chi trả kinh phí hỗ trợ.

Đối với 63 trường hợp là viên chức của Sở GD&ĐT chưa được UBND TP quyết định cử đi học, do đó không thuộc đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học từ nguồn quỹ này.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, hiện nay, việc giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo được UBND TP chỉ đạo rõ tại Văn bản số 1230/UBND-NC ngày 25/4/2024, cụ thể giao Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng TP Hà Nội “tiếp tục chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được UBND TP quyết định cử đi đào tạo, quyết định hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học”.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trình thành phố ban hành sau khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực thi hành.

Trước đó, tập thể 63 giáo viên thuộc nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã gửi thư phản ánh cho hay từ tháng 6 đến tháng 12/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành các quyết định về việc cử cán bộ quản lý, giáo viên đi học thạc sĩ năm 2019.

Sau thời gian học tập tại các trường đại học chính quy, 63 giáo viên đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng thạc sĩ theo chuyên ngành đã trúng tuyển trước đó.

Theo các giáo viên, ngày 29/1/2021, Sở GD&ĐT Hà Nội có Công văn số 335/SGDĐT-TCCB về việc nhận kinh phí và nộp hồ sơ bổ sung với người được UBND TP cử đi học sau đại học do ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ký.

Trong nội dung công văn có nêu lưu ý: “Những trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên được Sở GD&ĐT cử đi học sau đại học năm 2019 đã nộp hồ sơ đề nghị thành phố xét duyệt tạm thời chờ thông báo khi có quyết định của UBND thành phố”.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm chờ đợi, vào tháng 5/2024, 63 giáo viên trên bất ngờ nhận được thông tin không được UBND TP quyết định cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo theo quy định. Các giáo viên bày tỏ hụt hẫng, không hiểu lý do vì sao UBND thành phố lại không hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho họ. Họ cho rằng, bản thân vẫn thuộc đối tượng được cấp kinh phí đi học sau đại học của UBND thành phố.

Chưa kể, trong quá trình học tập, các giáo viên đã phải chi một khoản tiền khá lớn, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Vì vậy, các giáo viên đã cùng nhau phản ánh băn khoăn, đề nghị làm rõ.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.