ZeroToHero dẫn đầu bình chọn trực tuyến Data For Life 2024

Admin

Với hơn 2.000 lượt vote, giải pháp phòng ngừa nguy cơ về an ninh xã hội của đội ZeroToHero đang dẫn đầu bình chọn trực tuyến cuộc thi Data For Life 2024.

Bình chọn trực tuyến trên landing page cuộc thi diễn ra từ 18/10 đến 24/11. Theo đại diện ban tổ chức, sản phẩm được vote cao nhất có thể được cộng tối đa 10 điểm - một lợi thế tại vòng cuối. Ban tổ chức chỉ ghi nhận điểm vote dự án ở phiên bản tiếng Việt.

Hiện sau hơn ba tuần, "Giải pháp phòng ngừa nguy cơ về an ninh xã hội của công dân từ 13 đến 25 tuổi dựa trên đa nguồn dữ liệu sử dụng AI" của đội ZeroToHero đang dẫn đầu vòng bình chọn, với 2.199 lượt, vượt xa các đội vào top 10 chung kết còn lại.

Chia sẻ về sản phẩm dự thi, đại diện ZeroToHero cho biết, trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp, công dân trẻ tuổi đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an ninh xã hội, bao gồm bạo lực, tội phạm và các vấn đề tâm lý.

Để giải quyết vấn đề này hiệu quả, đội thi đã phát triển một giải pháp tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm dự báo và phòng ngừa các rủi ro an ninh xã hội cho nhóm đối tượng này.

Giải pháp phòng ngừa nguy cơ về an ninh xã hội của công dân 13-25 tuổi. Ảnh: ZeroToHero

Giải pháp phòng ngừa nguy cơ về an ninh xã hội của công dân 13-25 tuổi. Ảnh: ZeroToHero

Giải pháp của ZeroToHero được ban tổ chức đánh giá cao về tính thiết thực, cũng như tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế khi công dân trẻ ngày càng đối mặt với nhiều nguy cơ khó lường về an ninh xã hội.

Xếp thứ hai và thứ ba của vòng bình chọn trực tuyến lần lượt là đội NCB-CDS-AIML với nền tảng tích hợp triển khai mô hình học máy dựa trên điện toán đám mây và đội GoTrust với mô hình Kiosk y tế thông minh tự phục vụ.

Giải pháp của đội NCB-CDS-AIML nhằm hỗ trợ triển khai hiệu quả các mô hình học máy, tối ưu hóa nguồn lực trong lĩnh vực công nghệ và AI trong đa dạng lĩnh vực xã hội. Hệ thống này ứng dụng nhiều thuật toán được tối ưu từ xử lý dữ liệu thô đến việc tối ưu hóa quá trình tính toán biến, đảm bảo khả năng phản hồi nhanh chóng và chính xác cho mọi yêu cầu.

Với khả năng tùy biến, tính ứng dụng cao và dễ dàng tích hợp, "Giải pháp nền tảng tích hợp triển khai mô hình học máy dựa trên điện toán đám mây" có thể hỗ trợ triển khai hiệu quả các mô hình học máy, tối ưu hóa nguồn lực trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong đa dạng các lĩnh vực xã hội như quản lý y tế, giáo dục, an ninh.

Trong khi đó, đội GoTrust tập trung vào khía cạnh y tế. Với mục tiêu giảm thiểu thủ tục thủ công trong ngành y, Kiosk MediPay mang đến một quy trình thanh toán nhanh gọn, tiện lợi và minh bạch trong suốt hành trình khám chữa bệnh (KCB), đáp ứng đúng các yêu cầu của Đề án 06 từ Chính phủ.

Các đội còn lại của Top 10 vòng chung kết như Ngân hàng TMCP Quân Đội hiện có 155 lượt bình chọn; FIS AI 93 lượt...

Top 10 đội vào chung kết còn hơn một tuần để tiếp tục kêu gọi bình chọn, để tăng cơ hội được cộng điểm thưởng vào bảng điểm tổng của vòng chung kết, diễn ra ngày 26/11 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống (Data for Life 2024) do Trung tâm Dữ liệu quốc gia và dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); Đại học Bách khoa Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp tổ chức. Báo VnExpress là đơn vị bảo trợ truyền thông.

Cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp, sản phẩm công nghệ thông tin từ các tài năng trẻ nhằm phục vụ xây dựng Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số.

Năm nay, tổng giá trị giải thưởng dự kiến là 390 triệu đồng gồm: một giải nhất 300 triệu đồng; một giải nhì 50 triệu đồng; một giải ba 30 triệu đồng; một giải khuyến khích 10 triệu đồng. Đặc biệt, các sản phẩm đoạt giải nhất, nhì, ba sẽ được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm tại Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ - Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nguyễn Phượng