Vinh danh những dự án xuất sắc của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Admin

Dự án Co4Growth (Collaboration for Growth) năm 2022 với chủ đề “Phụ nữ hợp tác - Kiến tạo tương lai (Women Collaboration - Futures Creation) đã khép lại với Lễ tổng kết và Vinh danh dự án xuất sắc vào ngày 15/12/2022 vừa qua tại tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, Lễ Tổng kết và Vinh danh đồng thời chứng kiến những phần trình bày hấp dẫn từ 13 Nữ doanh nhân tài năng tham gia chương trình.

Trải qua 6 tháng đồng hành cùng Chương trình, các dự án do phụ nữ làm chủ đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Thông qua buổi Tổng kết, Chương trình đã lựa chọn ra 3 dự án xuất sắc nhất với gói hỗ trợ tiền mặt trị giá 50 triệu/doanh nghiệp, cũng như tri ân đến tất cả các doanh nghiệp đã tham dự chương trình.

z4036112078319-af14d8245e8c813195cf9fedc43187c2-1673596450.jpg

Từ những phản hồi từ các chuyên gia để liên tục cải tiến sản phẩm đến những buổi kết nối giao thương, kết nối đầu tư, buổi Tổng kết như chặng đường cuối đánh dấu những thành quả từ các dự án, mở ra hướng phát triển bền vững cho các nữ doanh nhân.

Thương hiệu nước mắm Ngọc Lan

Thương hiệu nước mắm Ngọc Lan: sản phẩm làng Nghề từng bước chinh phục người tiêu dùng Dự án Hợp tác xã (HTX) Ngọc Lan Quảng Nam do chị Lê Thị Ngọc Tầm làm chủ đã xuất
sắc đạt giải Dấu ấn, giải thưởng dành cho dự án có tổng số điểm cao nhất khi tham dự thuyết trình về dự án của mình tại buổi Tổng kết chương trình vừa qua.
Được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2018, làng nghề nước mắm Tam Thanh từng bước phục hồi sau những năm tháng thăng trầm. Mang đến chương trình một giá trị truyền
thống Làng nghề nước mắm Tam Thanh, Nước mắm Ngọc Lan - niềm tự hào của người Tam Thanh, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam - đã bền bỉ đi qua bao nhiêu đoạn khốn khó
để giữ được hương vị đậm đà cho đến tận hôm nay.

z4036119076662-5b195df45685113c1582e673988457c6-1673596439.jpg

Bên cạnh gìn giữ phương thức sản xuất thủ công, giá trị truyền thống Làng nghề nước mắm,Nước mắm Ngọc Lan đang từng bước nâng tầm sản phẩm, đẩy mạnh truyền thông phối hợp
với du lịch trải nghiệm để đưa thương hiệu nước mắm truyền thống của Làng nghề nước mắm Tam Thanh đi xa hơn. Với những đầu tư nghiên cứu chất lượng, cải tiến bao bì, ứng
dụng chuyển đổi số trong quảng bá, nước mắm Ngọc Lan được nhiều khách hàng biết đến và có được kênh phân phối ổn định, được bày bán tại siêu thị Co.op Mart, Ocop và siêu thị sạch,
điểm trưng bày tại các HTX.
Phở Sắn Caromi

Phở Sắn Caromi - “loại phở đẹp nhất Việt Nam và hành trình tìm về cội nguồn  Chị Lê Thị Kim Ánh và Dự án Phở sắn Caromi thuộc Công ty Cổ phần Caromi đã xuất sắc giành giải Kiến tạo, giải thưởng dành cho dự án có điểm của cấu phần “Sức khỏe dự án” cao điểm nhất khi tham dự thuyết trình về dự án của mình tại buổi Tổng kết chương trình vừa qua.
Gọi là phở sắn đơn giản bởi vì sợi phở được làm từ nguyên liệu đặc biệt chính là củ sắn, được trồng tại vùng Quế Sơn đất cằn, sỏi đá, chỉ có cây sắn mới sống được. Không ép khuôn theo
dạng dẹt và dài như các loại phở mà chúng ta vẫn ăn thông thường, sợi phở sắn được đổ theo hình lưới trông rất lạ mắt. Và tất nhiên, để chế biến ra món phở này cũng đòi hỏi các công
đoạn cầu kỳ.

Trong quá trình thực hiện, chị Ánh và đội ngũ đã nghiên cứu, đổi mới để quy trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Dự án đã liên kết với người trồng sắn, đảm bảo đầu ra ổn định và thu mua với giá tốt. Đồng thời, dự án cũng giúp phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập thông qua việc cung cấp kỹ thuật, nguyên liệu đầu vào, bảo đảm đầu ra cho người làm phở. Mỗi năm Caromi tham gia khoảng 20 hội chợ trong và ngoài tỉnh, tổ chức khoảng 10 sự kiện dùng thử, trải nghiệm miễn phí tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị. Tại đây, các mẫu thử nhà Caromi được khách hàng hưởng ứng rất nhiệt tình.

z4036119083559-e228a7231d7be3f4df8036a5954a9b30-1673596421.jpg

Sản phẩm phở sắn, bánh tráng sắn của Caromi đáp ứng tiêu chuẩn HACCP ( Hazard Analysis and Critical Control Points - một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng giúp doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát giới hạn các mối nguy hình thành trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm) và được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam (phở sắn: 4 sao, bánh tráng sắn: 3 sao). Ngoài ra, Caromi còn gặt hái được một số giải thưởng về khởi nghiệp như Giải nhì Trình bày ý tưởng khởi nghiệp trước nhà đầu tư quốc tế SURF Đà Nẵng 2018, Giải nhất Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

 chị Lê Thị Ngọc Ánh chia sẻ: “Từ một người rẽ ngang kinh doanh, không có kỹ năng về tài chính, marketing, Chương trình “Phụ nữ hợp tác kiến tạo tương lai" đã đem lại cho tôi nhiều kiến thức thực tế, bổ ích. Những sai lầm trong việc định giá sản phẩm, phát triển thị trường đã được các giảng viên gỡ nút thắt, giúp mình phần nào đó tìm ra cách thức sửa chữa và hạn chế những sai lầm tương tự trong tương lai. Tôi cảm thấy biết ơn đội ngũ giảng viên, cố vấn đã vô cùng tận tâm, nhiệt huyết. Biết ơn BTC đã vô cùng chu đáo mà hiếm có chương trình nào có thể chăm lo cho học viên nhiều như ở Co4Growth. Sau khi tham gia Chương trình, mình đã tìm thấy phiên bản mới của mình: tự tin và lăn xả hơn để đưa Caromi từng bước phát triển vững chắc.

Quế Trà My - Minh Phúc

Từ cây Quế Trà My đến sản phẩm nhà Minh Phúc và nỗ lực đưa hương rừng bay xa trên thị trường. Chị Nguyễn Thị Hồng Lê cùng Hợp tác xã (HTX) Quế Trà My Minh Phúc đã giành giải Lan tỏa của Chương trình. Đây là giải thưởng dành cho dự án có điểm của cấu phần “Lan tỏa thành công”, “Mức độ tham gia” và “Bình chọn từ cộng đồng” cao điểm nhất. Với dự án Phát triển các sản phẩm từ cây quế Trà My, chị Nguyễn Thị Hồng Lê không chỉ mang đến cho Chương trình một dạng hàng hoá mà đó như một biểu tượng, một giá trị kinh tế, một nét văn hóa của con người và mảnh đất xứ Quảng. Quế Trà My được biết đến với cái tên “Cao Sơn Ngọc Quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng và đã sớm trở thành nguồn dược liệu vô cùng quý giá.

Không chỉ vậy, nó còn là nguồn nguyên liệu được ưa chuộng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và mỹ phẩm. Thời vua triều Nguyễn, Quế Trà My được xem như “Cao sơn ngọc Quế” là sản vật quý dùng để tiến vua hàng năm và sử dụng trong các lễ mừng thọ ở Cung đình Huế. Ngày nay, “Quế Trà My” vẫn giữ nguyên được các giá trị vốn có, được phổ biến và sử dụng ngày càng rộng rãi hơn. Đặc biệt Quế Trà My được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ thương hiệu trên toàn quốc (năm 2011); được tỉnh Quảng Nam đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn và phát triển cây quế Trà My. Vì đó, Hợp tác xã Quế Trà My – Minh Phúc ra đời với sứ mệnh cần khẳng định và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các giá trị của cây Quế Trà My không chỉ ở trong nước mà còn trên Thế Giới.
 

z4036119081883-a5d85665dac12d6b90053c918770aae9-1673596432.jpg

Bằng tất cả những nỗ lực lúc bấy giờ, ngay năm đầu tiên sản xuất, sản phẩm tinh dầu quế Trà My của Minh Phúc đã được công nhận OCOP 3 sao (OCOP - One Commune One Product
được hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm”). Không dừng lại ở đó, sản phẩm luôn được Minh Phúc hoàn thiện và phát triển hơn nữa để đến 2021 được nâng cấp lên OCOP 4 sao. Và đây cũng là
một trong những lợi thế cạnh tranh lớn của Minh Phúc trên thị trường ngoài những giá trị mà cây quế Trà My được biết đến trong lâu nay.

Hiện nay sản phẩm “Quế Trà My – Minh Phúc” đã bán rộng khắp trên thị trường Việt Nam, thông qua nhiều kênh bán hàng khác nhau: bán hàng trực tiếp tại cơ sở và bán trên sàn thương mại Shopee, QNB Mart, Postmart,… Lượng khách hàng của Minh Phúc đã ước tính trải dài 29/63 tỉnh thành từ Bắc tới Nam và tập trung tại 2 thị trường chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Chị Lê tự tin rằng, với những kết quả mình được tiếp thu qua chương trình, doanh thu trong năm 2023 sẽ tăng ít nhất 1,5 lần so với hiện tại. Ngoài ra để quảng bá về sản phẩm của mình, HTX Quế Trà My Minh Phúc còn năng nổ tham gia các hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, tiếp cận nhiều hơn các khách hàng tại thị trường đích và tất nhiên cũng nhận được sự đón nhận rất nồng nhiệt.

Chương trình “Phụ nữ hợp tác - Kiến tạo tương lai” là sáng kiến tiếp nối trong khuôn khổ dự án Co4Growth (Collaboration for Growth) - trung tâm thông tin và dịch vụ hỗ trợ nhằm mục tiêu phát triển doanh nhân doanh nghiệp, khởi xướng bởi Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Startup Vietnam Foundation (SVF) nhằm phát triển và cung cấp các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp Việt. Chương trình được tài trợ bởi Standard Chartered Foundation (SCF) để hỗ trợ các cộng đồng phục hồi sau đại dịch. Dự án là một phần của Futuremakers thuộc Standard Chartered, một sáng kiến toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng bằng cách thúc đẩy hòa nhập kinh tế nhiều hơn cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Thùy Dương