Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng bô xít lớn thứ 2 thế giới, khoảng 5.800.000 tấn, gấp 8 lần Trung Quốc (710.000 tấn), 9 lần Ấn Độ (650.000 tấn), 290 lần Mỹ (20.000 tấn). Vào tháng 7/2023, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được phê duyệt.
Cùng với đó, theo quy hoạch Bô xít giai đoạn 2021 – 2030, cả nước có 19 đề án thăm dò, trong đó Đăk Nông có 7 đề án. Với khâu khai thác, sẽ mở rộng mỏ Nhân Cơ, Tân Rai, đầu tư mới 8 – 10 mỏ.
Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, Đắk Nông là tỉnh có tiềm năng rất lớn về quặng bô xít, chiếm 47% trữ lượng bô xít cả nước. Nhiều khu vực đã được thăm dò, cấp phép khai thác và ngành khai thác bô xít, chế biến alumin đang dần trở thành một trụ cột trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đặc thù của quặng bô xít là phân bố rộng, trải dài trên nhiều diện tích, trong đó có nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện quặng bô xít đang chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Đắk Nông.
Đáng chú ý, Bô xít là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kể từ khi Tổ hợp Dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin Nhân Cơ đi vào vận hành thương mại vào năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn chú trọng triển khai áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn.
Cụ thể, TKV đã xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong các công đoạn sản xuất alumin; cải tiến dây chuyền thiết bị; đẩy mạnh tin học hóa, tự động hóa; sử dụng tối đa nước tuần hoàn; giảm tiêu hao vật tư... Nhờ đó, các chỉ tiêu về sản lượng, chất lượng sản phẩm đều tốt hơn thiết kế. Sản phẩm của dự án được xuất khẩu sang một số nước.
Hiện nay, Việt Nam đang làm chủ công nghệ khai thác và chế biến bô xít. Theo Viện nghiên cứu cơ khí, năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin với nguồn nhân lực trẻ, đồng thời, thu hút được nhà đầu tư để bước đầu hình thành ngành công nghiệp alumin và luyện nhôm, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị và hóa chất phụ trợ.
Trong đó, công nghệ thải khô bùn đỏ là một bước tiến quan trọng trong sản xuất alumin từ bô xít. Trước đây, bùn đỏ (chất thải sau quá trình chế biến bô xít) thường được thải ra dưới dạng lỏng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Công nghệ thải khô giúp giảm thiểu tác động này bằng cách tách nước ra khỏi bùn, biến nó thành dạng khô để dễ dàng quản lý và lưu trữ, giảm nguy cơ tràn đổ, lây nhiễm hóa chất vào nguồn nước.
Cùng với đó, công nghệ Bayer hiện đại được sử dụng trong chế biến bô xít thành alumin với hiệu suất cao và tiêu thụ ít năng lượng hơn. Các nhà máy alumin ở Việt Nam áp dụng phiên bản cải tiến của công nghệ này nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu.
Đáng chú ý, các nhà máy alumin tại Việt Nam đều sử dụng hệ thống giám sát tự động, giúp theo dõi và kiểm soát mọi hoạt động sản xuất cũng như phát thải ô nhiễm. Những công nghệ này giúp đảm bảo rằng các quy trình sản xuất đều tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.