Beth Riehle, 35 tuổi, sống tại Texas, từng làm pha chế rượu tại Austin chia sẻ câu chuyện ngày 1/4 nhằm giúp mọi người nâng cao nhận thức về bệnh ung thư.
Vào tháng 12/2023, cô bị đau nửa đầu dữ dội, cơn đau lan đến tai và hàm, kèm mệt mỏi và lưỡi hơi đổi màu. Tuy nhiên, Riehle không nghĩ mình mắc bệnh nghiêm trọng. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán cô gặp vấn đề về khớp thái dương hàm (TMJ). Đến tháng 3/2024, kết quả sinh thiết xác nhận cô bị ung thư biểu mô tế bào vảy giai đoạn 4 ở lưỡi – căn bệnh thường gặp ở nam giới trên 65 tuổi có tiền sử hút thuốc. Các bác sĩ không rõ nguyên nhân khiến một phụ nữ trẻ như Riehle mắc bệnh này.
Ung thư vùng đầu và cổ đang gia tăng tại Mỹ, chủ yếu do nhiễm virus HPV, thói quen uống rượu bia và béo phì. Tuy nhiên, bác sĩ xác nhận HPV không phải nguyên nhân gây bệnh cho Riehle.
Riehle phải trải qua hóa trị, xạ trị và cắt bỏ 80% lưỡi, buộc cô phải tập lại cách nói cũng như nuốt từ đầu.
"Lưỡi là phần không thể thiếu trong cuộc sống – ăn uống, giao tiếp. Tôi phải học lại gần như mọi chức năng của miệng", cô chia sẻ.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ước tính 60.000 người Mỹ mắc ung thư miệng và hầu họng trong năm nay, gần 13.000 người tử vong. Các triệu chứng thường gặp gồm loét miệng, mảng trắng hoặc đỏ trong miệng, răng lung lay, nổi cục bất thường. Ung thư lưỡi thường được phát hiện muộn, do người bệnh dễ bỏ qua dấu hiệu ban đầu.
Sau đợt điều trị đầu tiên, Riehle tiếp tục bị đau trán và cổ nhưng nghĩ đó là phản ứng phụ của xạ trị. Đến tháng 9/2024, kết quả chụp CT cho thấy ung thư tái phát, cô phải trải qua ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ để cắt bỏ gần như toàn bộ lưỡi và 75 hạch bạch huyết. Bác sĩ cho biết cô chỉ có 50% khả năng lấy lại giọng nói.

Beth Riehle, 35 tuổi, sống tại Texas mắc ung thư lưỡi. Ảnh: Beth Riehle
Hiện tại, Riehle đã khỏi ung thư nhưng chịu nhiều di chứng. Hàm cô bị cứng, miệng lở loét đau đớn, giọng nói bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cô tham gia trị liệu ngôn ngữ, hy vọng có thể sử dụng bộ phận giả để cải thiện giọng nói. Gia đình đang kêu gọi gây quỹ trên GoFundMe để trang trải chi phí y tế.
Bên cạnh việc phục hồi, Riehle tích cực nâng cao nhận thức về ung thư miệng. Cô thành lập nhóm Young Tongues hỗ trợ bệnh nhân trẻ tuổi và chia sẻ hành trình của mình trên TikTok.
"Tôi muốn lên tiếng cho những người không được đại diện. Đó là một trải nghiệm mạnh mẽ, nhắc nhở tôi về giá trị của sự tổn thương trong cuộc sống", cô nói.
Ung thư lưỡi là một dạng ung thư miệng phổ biến, nhưng việc chẩn đoán sớm thường gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề miệng thông thường. Theo một nghiên cứu đăng trên Journal of Oral and Maxillofacial Pathology, một số trường hợp ung thư miệng ở giai đoạn đầu có thể biểu hiện không điển hình và dễ bị chẩn đoán sai.
Một nghiên cứu khác được công bố trên BMJ Case Reports mô tả một bệnh nhân mắc ung thư lưỡi liên quan đến nhiễm virus HPV, ban đầu bị chẩn đoán nhầm là bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS).
Thục Linh (Theo Daily Mail)