Uống rượu pha hoa quả có thải cồn nhanh hơn?

Admin

Uống rượu pha hoa quả có mùi vị thơm, dịu nhẹ, cơ thể có đào thải cồn nhanh hơn so với uống rượu nguyên chất không? (Nam, 33 tuổi, Hà Nội)

Trả lời:

Đào thải rượu nhanh hay chậm chủ yếu do gan. Người bị bệnh gan, gan yếu, suy gan khi uống còn dễ bị tái do không thể chuyển hóa được rượu. Có người uống ít nhưng tửu lượng kém, có người uống tốt, uống nhiều, đào thải kém. Một số yếu tố khác như tuổi tác, cân nặng, các bệnh lý mắc phải hoặc các loại thuốc đang sử dụng, cách uống... cũng ảnh hưởng đến quá trình đào thải cồn.

Nhiều người pha rượu để giảm nồng độ cồn, song ngưỡng chịu đựng kém hoặc gan yếu thì quá trình đào thải vẫn chậm. Pha rượu với những loại nước có ga, bia, caffein, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu, rượu không có nguồn gốc, pha không có công thức còn gây hại cho sức khỏe. Nhiều trường hợp bị ngộ độc, như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, nặng hơn nữa là rối loạn tri giác, mất ý thức, hôn mê, tử vong.

Khi uống rượu pha, nhiều người cảm thấy dễ bị say, chóng mặt, mệt mỏi, uể oải hơn. Người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh mạn tính như gan, thận, dạ dày, đại tràng, ung thư càng không nên tự ý pha hay lạm dụng rượu.

Tự ý pha trộn rượu có nguy cơ bị ngộ độc. Ảnh:Thu Hiền

Tự ý pha trộn rượu có nguy cơ bị ngộ độc. Ảnh: Thu Hiền

Các chuyên gia khuyến cáo nam không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày, nữ không quá một đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Bạn có thể thử ước tính lượng bia rượu uống và thời gian cơ thể thải hết cồn, bằng cách điền các chỉ số vào bảng dưới đây:

Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh
Phó giám đốc trung tâm tim mạch và đột quỵ, Bệnh viện Quốc tế Phương Đông
Hội bệnh mạch máu Việt Nam