Từng quyết từ chối Trung Quốc, chọn Pháp xây tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên 2,4 tỷ USD, một nước bất ngờ 'quay xe', chốt Trung Quốc cho dự án mới nhất vì một lý do

Admin

Trung Quốc chính thức thắng gói thầu xây dựng dự án đường sắt cao tốc nối liền hai thành phố Kenitra và Marrakesh tại Maroc.

Từng quyết từ chối Trung Quốc, chọn Pháp xây tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên 2,4 tỷ USD, một nước bất ngờ 'quay xe', chốt Trung Quốc cho dự án mới nhất vì một lý do- Ảnh 1.

Năm 2018, Maroc khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối Tangier và Casablanca, dài 200 km, thuộc kế hoạch xây dựng mạng lưới 1.500 km đường sắt cao tốc. Tuyến đường này sử dụng khổ ray 1.435 mm, tốc độ 320 km/h, và mỗi chuyến tàu chở 533 hành khách. Tổng mức đầu tư là 2,4 tỷ USD, bao gồm 12 đoàn tàu do Alstom (Pháp) chế tạo. Tuyến đường giúp giảm thời gian di chuyển từ hơn 4 giờ xuống còn 2 giờ 10 phút.

Đáng chú ý, trang Morocco world news cho biết, Trung Quốc đã từng mong muốn tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Casablanca và Tangier tại Maroc. Tuy nhiên, Maroc đã chọn sử dụng công nghệ Pháp cho dự án này, và Alstom, một công ty của Pháp, đã được giao nhiệm vụ cung cấp các đoàn tàu và hệ thống vận hành.

Về công nghệ tiên tiến từ Pháp cho tuyến đường sắt cao tốc này, bao gồm tàu TGV của Alstom, hệ thống tín hiệu và điều khiển tự động, hệ thống định vị GPS và cảm biến… Cùng với đó, Pháp còn sử dụng kỹ thuật xây dựng hạ tầng đường sắt đặc biệt, dử dụng công nghệ tiên tiến trong thiết kế và xây dựng hạ tầng, bao gồm cả việc áp dụng vật liệu mới và kỹ thuật xây dựng để đảm bảo tính bền vững và độ bền của tuyến đường.

Mới đây, Global Construction Review cho biết, Trung Quốc đã chính thức thắng gói thầu kỹ thuật dân dụng đầu tiên cho dự án đường sắt cao tốc Kenitra - Marrakech tại Maroc, với tổng giá trị khoảng 316 triệu euro (hơn 350 triệu USD).

Tổng Công ty kỹ thuật đường sắt số 4 Trung Quốc (CREC 4) thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC) đã vượt qua 7 đối thủ khác để trở thành nhà thầu chính cho dự án trọng điểm này. Dự án đường sắt cao tốc này dài 430km, nối liền các thành phố lớn như: Rabat, Salé và Casablanca, hứa hẹn sẽ là một cuộc cách mạng giao thông tại Bắc Phi.

Ngoài việc xây dựng đường ray và các công trình phụ trợ, dự án còn thực hiện việc nâng cấp các ga tàu hiện đại, xây dựng hai ga mới và một xưởng bảo trì. Đặc biệt, với tốc độ tàu chạy lên đến 320km/h, tuyến đường sắt này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, góp phần thúc đẩy kinh tế và du lịch của Maroc. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2030, kịp thời phục vụ cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới World Cup.

Trang Atalayar cho biết, đề xuất của CREC 4 đã vượt qua các đối thủ nhờ lợi thế tài chính và sự vững chắc về mặt kỹ thuật, đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu của dự án khổng lồ như tuyến đường sắt cao tốc giữa Kenitra và Marrakech . Với mức giá thầu thấp hơn so với các nhà thầu danh tiếng khác, CREC 4 đã giành được vị trí hàng đầu.

Tuyến đường sắt cao tốc Kenitra - Marrakech là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông của Maroc, và việc chọn CREC 4 cho các công trình kỹ thuật dân dụng đầu tiên cho thấy đây là quyết định đúng đắn.

Là công ty con của CRRC, nhà sản xuất toa xe lửa lớn nhất thế giới, CREC 4 sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ. CRRC nổi tiếng với năng lực sản xuất toa xe và đầu máy xe lửa, đồng thời đã khẳng định vị thế toàn cầu với hợp đồng tại 116 quốc gia, từ Mỹ Latinh đến Ấn Độ.

Trên thực tế, công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc rất nổi tiếng trên thế giới. Về công nghệ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc chuyên dụng, giống như các tuyến cao tốc đã từng sử dụng, Trung Quốc thường tự động hóa trong xây dựng. Theo đó, các công nghệ tự động hóa sẽ được áp dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng và chính xác, chẳng hạn như sử dụng robot trong các công việc nặng và nguy hiểm, và phần mềm mô phỏng để tối ưu hóa quá trình xây dựng.

Cùng với đó, công nghệ quản lý và giám sát thời gian thực, sử dụng hệ thống cảm biến và IoT (Internet of Things), các nhà thầu có thể giám sát tình trạng hoạt động của tàu, hạ tầng và các thành phần kỹ thuật khác trong thời gian thực, từ đó đưa ra quyết định bảo trì hoặc xử lý sự cố nhanh chóng.

Đặc biệt, với giải pháp năng lượng thông minh, các hệ thống quản lý năng lượng sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trên toàn bộ hệ thống đường sắt, giảm thiểu lãng phí và tác động đến môi trường.