Ngày 8/11, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây là trường hợp bệnh tiến triển âm thầm không có những triệu chứng thường gặp trong giai đoạn đầu của ung thư đại tràng, như đi ngoài nhầy máu. Cách đây ba tháng, ông đau bụng âm ỉ vùng thượng vị lan ra sau lưng, ăn kém, sút 10 kg, uống thuốc giảm đau không đỡ. Hai tuần trước khi vào viện, ông đau nhiều ở cột sống thắt lưng lan xuống hai chân.
"Đây là dấu hiệu di căn gây tổn thương xương", bác sĩ nói. Kết quả kiểm tra xác định ung thư đại tràng phải di căn gan, cột sống, hạch ổ bụng, tuyến thượng thận, giai đoạn 4B kèm đái tháo đường type 2.
Theo bác sĩ, người bệnh phát hiện giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật triệt căn. Bệnh nhân cần chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, dùng thuốc giảm đau, thuốc đích, hóa trị để cải thiện chất lượng sống.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) tháng 12/2023 cho thấy người giảm cân bất thường có tỷ lệ ung thư trong vòng 12 tháng cao hơn đáng kể so với người duy trì mức cân nặng bình thường. Những người mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa trên, chẳng hạn ung thư thực quản, dạ dày, gan, đường mật hoặc tuyến tụy, nhiều khả năng giảm cân đáng kể trước khi được chẩn đoán.
Ung thư đại trực tràng là một trong các loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, đứng thứ 4 về số ca, sau ung thư vú, gan và phổi. Theo GLOBOCAN 2022, mỗi năm ước tính có khoảng 16.835 ca mắc mới (chiếm 9,3%) và 8.454 người tử vong do ung thư đại trực tràng. Bệnh nhân thường đến khám với các triệu chứng đau bụng, đại tiện phân lỏng hoặc táo bón, phân có lẫn nhầy máu. Nhiều trường hợp có triệu chứng mơ hồ hoặc không, chỉ phát hiện bệnh khi đã có triệu chứng hoặc di căn các cơ quan khác.
Ung thư đại trực tràng thường xuất hiện ở người tuổi trên 50. Tuy nhiên, vài năm gần đây, bệnh nhân ngày càng trẻ, có người tuổi 20-30. Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Triệu chứng cảnh báo là đi ngoài ra máu, rối loạn thói quen đại tiện, viêm kích thích trực tràng, tắc ruột,...
Ung thư này nếu được phát hiện giai đoạn sớm có thể cắt qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm lên tới 85-90%.
Bác sĩ khuyến cáo đối với người bình thường, thời điểm nội soi tầm soát bắt đầu từ 45 đến 50 tuổi. Người có tiền sử gia đình bị đa polyp có yếu tố di truyền cần nội soi sàng lọc sớm từ 12 đến 20 tuổi. Trường hợp không phát hiện polyp đại tràng có thể nội soi định kỳ 3-5 năm. Bệnh nhân phát hiện polyp cần nội soi cắt và kiểm tra định kỳ từ 6 đến 12 tháng.
Thùy An