Từ quận thành huyện, đô thị 120 tuổi dự kiến lên thành phố

Admin

Địa phương này hiện là trung tâm công nghiệp quan trọng.

Từ quận thành huyện, đô thị 120 tuổi dự kiến lên thành phố- Ảnh 1.

Báo Tây Ninh dẫn sách Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2008) có mục từ Trảng Bàng, đây là “quận thuộc tỉnh Tây Ninh từ năm 1903”.

Như vậy, đến nay là hơn 120 năm cái tên quận Trảng Bàng được ghi danh vào bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh. Quận đánh dấu một bước tiến mới của đô thị Trảng Bàng - đó là quận đầu tiên được thiết lập ở Tây Ninh.

Từ quận thành huyện, đô thị 120 tuổi dự kiến lên thành phố- Ảnh 2.

Trảng Bàng lên thị xã từ năm 2020.

Sau năm 1975, “quận Trảng Bàng” trở thành huyện, với 1 thị trấn và 9 xã: Trảng Bàng, An Hòa, An Tịnh, Bình Thạnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, Phước Chỉ, Phước Lưu.

Từ 10/1/2020, huyện Trảng Bàng chính thức trở thành thị xã Trảng Bàng, thuộc tỉnh Tây Ninh. Cùng đó, điều chỉnh địa giới hành chính xã Gia Lộc và thị trấn Trảng Bàng để thành lập 2 phường có tên tương ứng. Chuyển 4 xã: An Hòa, An Tịnh, Gia Bình và Lộc Hưng thành 4 phường có tên tương ứng. Hợp nhất 2 xã Phước Lưu và Bình Thạnh thành xã Phước Bình. Sau khi thành lập, thị xã Trảng Bàng có 6 phường và 4 xã trực thuộc như hiện nay.

Trảng Bàng được định hướng lên thành phố thuộc tỉnh

Thị xã Trảng Bàng đã có sự phát triển vượt bậc ở nhiều lĩnh vực, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong hệ thống đô thị của tỉnh, là một trong những khu vực phát triển của tỉnh, Báo Tây Ninh dẫn lời đại diện phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng. Thị xã Trảng Bàng xác định phát triển theo hướng là đô thị sinh thái kiêm kinh tế có tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp kỹ thuật cao. Thị xã Trảng Bàng là một cực tăng trưởng lớn, đầu mối giao thông của tỉnh, đồng thời là trung tâm tiểu vùng 4 khu vực biên giới Tây Nam.

Hướng tới mục tiêu phát triển thị xã Trảng Bàng phát triển đô thị hiện đại, bền vững, thực hiện các mục tiêu lớn về phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị của tỉnh cũng như nâng cấp thị xã Trảng Bàng lên thành phố thuộc tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, thị xã Trảng Bàng xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí đô thị loại 3, thành lập thành phố Trảng Bàng và phấn đấu đạt khoảng 75%  tiêu chí đô thị loại 2. Giai đoạn 2035, phát triển đô thị Trảng Bàng theo các tiêu chí đô thị loại 2.

Từ quận thành huyện, đô thị 120 tuổi dự kiến lên thành phố- Ảnh 3.

Trảng Bàng là cửa ngõ của Tây Ninh với TP HCM.

Trảng Bàng là địa phương giáp ranh với TP HCM, có thể dễ dàng kết nối giao thương với nước bạn Campuchia. Thị xã có nhiều khu công nghiệp hàng đầu của tỉnh: KCN Trảng Bàng, KCX và KCN Linh Trung III, KCN Thành Thành Công…

Năm 2024, kinh tế - xã hội thị xã Trảng Bàng phát triển ổn định, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tổng giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ yếu ước thực hiện hơn 45.909 tỷ đồng, tăng 15,82% so cùng kỳ; trong đó giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước thực hiện hơn 4.048 tỷ đồng, đạt 100,01% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước thực hiện hơn 39.864 tỷ đồng, đạt 107,06% kế hoạch; giá trị sản xuất các ngành thương mại - dịch vụ ước thực hiện hơn 1.996 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 340,7 tỷ đồng, đạt 113,19% dự toán.

Tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài - sắp khởi công - có đoạn đi qua thị xã Trảng Bàng dài 11,3km. Đây là dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, mang tính cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải lưu lượng đi qua quốc lộ 22, giảm chi phí, thời gian di chuyển trên hành lang vận tải TP HCM - Tây Ninh, tạo động lực mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư và góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.