Tên gọi mới của các sở, ngành ở Quảng Bình sau khi sáp nhập

Admin

Ngày 26/12, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh.

Kết thúc hoạt động của 9 đảng đoàn

Tỉnh ủy Quảng Bình thống nhất, kết thúc hoạt động của 9 đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh gồm (Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh).

Kết thúc hoạt động Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh; thành lập Đảng bộ Cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh; thành lập Đảng bộ Chính quyền tỉnh.

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tên gọi của Ban sau hợp nhất sẽ thống nhất theo quy định của Trung ương.

Hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy cấp huyện. Đối với Trường Chính trị tỉnh, sẽ rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối tổ chức trực thuộc đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Nghiên cứu hợp nhất Báo Quảng Bình với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thành Trung tâm Truyền thông tỉnh; chuyển chức năng nhiệm vụ Cổng thông tin điện tử từ Trung tâm Công báo thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh về Trung tâm Truyền thông tỉnh; thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Tên gọi mới của các sở, ngành ở Quảng Bình sau khi sáp nhập- Ảnh 1.

Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (Ảnh: M.Văn).

Hợp nhất nhiều đơn vị

Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính. Tên gọi của Sở sau khi hợp nhất: Sở Kinh tế - Tài chính; Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng, tên gọi của Sở sau khi hợp nhất: Sở Xây dựng và Giao thông; Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tên gọi của Sở sau khi hợp nhất: Sở Nông nghiệp và Môi trường; Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, tên gọi của Sở sau khi hợp nhất: Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; tên gọi của Sở sau khi hợp nhất: Sở Nội vụ và Lao động; Hợp nhất Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch, tên gọi của Sở sau khi hợp nhất: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Sở Công Thương giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương; tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường tỉnh từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Ban Dân tộc giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc và tiếp nhận Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang và đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo.

Bình Dương: Nhiều cán bộ xin nghỉ sau thông tin tinh gọn bộ máyTinh gọn Bộ Công Thương: "Việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm"

Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Bình, giữ nguyên 5 đơn vị, gồm: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Quỹ Phát triển đất tỉnh; Trường Đại học Quảng Bình, Trường Cao đẳng Y tế; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo đúng quy định. Hợp nhất Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình, Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình thành Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Bình.

Để triển khai có hiệu quả công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt thực hiện sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý để bảo đảm tỉnh gọn tổ chức bộ máy, phù hợp tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương; phấn đấu giảm từ 15 - 20% đầu mối bên trong khi thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy.

Chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, tỉnh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý theo các nội dung gợi ý, định hướng của Trung ương, của tỉnh. Sắp xếp, bố trí, điều chuyển nhân sự và chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.