Trường tiểu học ở TP.HCM không được dạy quá 7 tiết/ngày

Admin

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu thời khóa biểu cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đồng thời phù hợp với việc điều động, bố trí giáo viên giảng dạy.

Học sinh tiểu học ở TP.HCM sẽ không học quá 7 tiết/ngày. Ảnh: Duy Hiệu.

Sở GD&ĐT TP.HCM mới có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025. Trong đó, điểm đáng chú ý là sở yêu cầu các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng mỗi ngày không được quá 7 tiết học, thời lượng mỗi tiết sẽ là 35 phút.

Bên cạnh đó, kế hoạch giáo dục cũng cần đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ học tập và những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đồng thời, trường phải tạo điều kiện để học sinh được học các môn tự chọn và tham gia hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học.

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, trẻ tiểu học sẽ được học các môn tự chọn theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018, tham gia hoạt động củng cố để hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu và hoạt động tìm hiểu về tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương.

Đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, nhà trường cần chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn học tự chọn khi đảm bảo điều kiện thực hiện, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác.

Trường cũng cần xây dựng, sắp xếp các nội dung chương trình theo các chủ đề học tập, tích hợp liên môn; sử dụng kho học liệu điện tử; xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến; dạy học bên ngoài không gian lớp học.

Về kế hoạch bán trú của trẻ, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế, có sự thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Các hoạt động bán trú được tổ chức trong khoảng thời gian từ sau giờ học buổi sáng đến trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều, thông qua hoạt động bán trú góp phần rèn luyện học sinh về kỹ năng sống, các năng lực, phẩm chất cần thiết, tính kỷ luật, tự phục vụ, trách nhiệm, chia sẻ, yêu thương.

Việc tổ chức hoạt động bán trú cũng cần linh hoạt, có thể bao gồm các hoạt động như tổ chức ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi, giải trí… cho học sinh. Hơn nữa, việc tổ chức ăn trưa, bán trú phải bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh.

Còn với hoạt động ngoài giờ học, các trường cần tổ chức theo nhu cầu, sở thích của học sinh trong khoảng thời gian từ sau giờ học chính thức cho đến thời điểm được cha mẹ học sinh đón về nhà.

Nhà trường sẽ căn cứ vào nhu cầu, sở thích của học sinh để tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường (thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng…), tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu sau giờ học chính thức trong ngày.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.