Trường quy định học sinh không gọi bạn là 'ông xã, bà xã'

Admin

Không gọi nhau bằng những từ chỉ quan hệ vợ chồng như ông xã, bà xã; không gọi tên gắn với khiếm khuyết về ngoại hình... là những quy định ứng xử một số trường áp dụng với học sinh.

hoc sinh ung xu anh 1

Nhiều trường ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Theo quy tắc ứng xử văn hóa của trường THCS Trực Thuận (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), học sinh cần xưng hô với bạn bè đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng, không cầu kỳ, kiểu cách.

Các em không gọi nhau bằng những từ chỉ dành để gọi những người tôn kính như ông, bà, cha, mẹ; không gọi nhau bằng những từ chỉ quan hệ vợ chồng như con vợ, thằng chồng, ông xã, bà xã...

Không gọi tên gắn với tên cha mẹ, ông, bà hay những khiếm khuyết về ngoại hình hoặc đặc điểm về tính nết của người khác; không gọi nhau bằng những từ ngữ phim ảnh, giang hồ (đại ca, sư tỉ…). Học sinh phải xưng hô với bạn bè trong trường là bạn hay xưng tên mình.

Ứng xử trong chào hỏi, giới thiệu, bắt tay nhau đảm bảo thân mật, trong sáng, không thô thiển, cục cằn, không làm ầm ĩ ảnh hưởng đến người xung quanh.

Khi thăm hỏi, giúp đỡ bạn bè, học sinh phải đảm bảo chân thành, tế nhị, không che giấu khuyết điểm của nhau, không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc người có hoàn cảnh khó khăn. Khi chúc mừng bạn đảm bảo vui vẻ, thân tình, không cầu kỳ, không gây khó xử.

Trong đối thoại, nói chuyện, các em cần chân thành, thẳng thắn, cởi mở, ôn tồn, không cãi vã , chê bai, dè bỉu, xúc phạm, khua chân, múa tay, nói tục, chửi bậy, chửi thề, khạc nhổ …

Ứng xử trong quan hệ với bạn khác giới đảm bảo tôn trọng, nhã nhặn, trong sáng, không sấn sổ, săn đón, điệu bộ quá trớn, không có những hành động hay lời nói xúc phạm, khiếm nhã, trêu chọc, khiêu khích…

Ứng xử trong học tập đảm bảo nghiêm túc, trung thực, không vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử.

Bên cạnh đó, trường này cũng quy định học sinh khi chào hỏi, xưng hô, giới thiệu với thầy cô giáo, nhân viên trong nhà trường; khách đến thăm, làm việc với nhà trường phải đảm bảo kính trọng, lịch sự, ngắn gọn, rõ ràng và lễ phép.

Học sinh biết gật đầu khi chào, hỏi. Không được có những hành động, cử chỉ, lời nói thiếu chuẩn mực đạo đức, vô phép với thầy, cô và người lớn tuổi.

Khi hỏi và trả lời đảm bảo tôn ti trật tự trên dưới, câu hỏi và trả lời ngắn gọn, rõ ràng, có dạ thưa lịch sự, phù hợp đúng với môi trường sư phạm.

Khi mắc lỗi, các em cần lựa chọn thời điểm phù hợp để xin lỗi, tránh lúc đông người hay đang giờ làm việc, giờ lên lớp. Lời xin lỗi phải thể hiện sự chân thành, thực sự biết lỗi và muốn sửa lỗi...

Bộ quy tắc của trường cũng quy định trong thời gian vào và ngồi tại lớp học, học sinh đảm bảo nghiêm túc, tôn trọng thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp. Trong gia đình cần đảm bảo sự kính trọng, lễ phép, thương yêu, quan tâm đến mọi người trong gia đình...

Ngoài ra, học sinh cũng cần lưu ý cách ứng xử với nhân dân, láng giềng nơi cư trú; ứng xử ở nơi công cộng; thực hiện an toàn giao thông...

Không riêng trường THCS Trực Thuận, nhiều trường học trên cả nước cũng xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học. Trường THPT Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) cũng có các quy định tương tự như trên.

Trong khi đó, trường Tiểu học - THCS - THPT Hoa Sen (TP.HCM và Bình Dương) bổ sung quy định trong quan hệ bạn bè, học sinh không được kỳ thị, phân biệt tôn giáo, thành phần gia đình giàu nghèo.

Ứng xử với bạn bè khác giới phải đảm bảo thái độ lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng, không bối rối. Là phái nam đối với nữ cần thể hiện tính ga-lăng, sẵn sàng giúp đỡ và nhường nhịn bạn gái.

Trường này cũng quy định học sinh khi ngồi nghe giảng phải đảm bảo tư thế, tác phong nghiêm túc, trật tự, tôn trọng thầy cô giáo và bạn cùng lớp. Không phát ngôn tùy tiện hay làm các cử chỉ vò đầu, gãi tai, ngoáy mũi, quay ngang, quay ngửa, gục đầu; không nhai kẹo cao su hay ăn quà vặt.

Trường cũng giới hạn dùng điện thoại di động (chỉ khi được cho phép và sử dụng liên lạc với gia đình trong thời gian quy định).

Trường Tiểu học Thạch Thắng (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) yêu cầu học sinh ứng xử với bạn học, em lớp dưới, anh chị lớp trên với ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt. Không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm...

Bộ GD&ĐT có thông tư số 06/2019, quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Căn cứ quy định tại thông tư này, thủ trưởng cơ sở giáo dục sẽ quy định cụ thể bộ quy tắc ứng xử để thực hiện trong cơ sở giáo dục.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.