Trước đó, chị Thùy khám sàng lọc thai tuần 12 tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, được chẩn đoán và điều trị dự phòng tăng huyết áp thai kỳ. Bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn và sinh hoạt nhằm dự phòng tiền sản giật do tăng huyết áp. Đến tuần 25, huyết áp của chị tăng lên 160/90 mmHg, khám thai ghi nhận tiền sản giật có dấu hiệu nặng, thai nhỏ so với tuổi thai.
Ngày 2/4, ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết huyết áp của chị tiếp tục tăng cao, không đáp ứng điều trị nội khoa, mạch 105 lần mỗi phút, mệt mỏi, chướng bụng, không ăn uống được, tim thai không ổn định. "Nếu không mổ lấy thai khẩn, nguy cơ cao suy thai", bác sĩ Khoa nói.
Bé trai chào đời nặng hơn 600 g, không khóc, phản xạ yếu, thở chậm, được bác sĩ ủ ấm bằng túi bọc giữ nhiệt chuyên dụng, chuyển về Trung tâm Hồi sức Sơ sinh (NICU) của bệnh viện nuôi trong lồng ấp. Mẹ bé trước đó đã tiêm đủ liều thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi nên giảm nguy cơ trẻ suy hô hấp sau sinh.

Êkíp khoa Sản Phụ khoa - Sơ sinh phối hợp cứu mẹ con chị Thùy. Ảnh: Tuệ Diễm
Sau mổ, huyết áp chị Thùy vẫn không hạ, có lúc lên đến 200/110 mmHg, kèm khó thở do tràn dịch đa màng. Hầu hết trường hợp tiền sản giật giảm dần, ổn định khi sinh bé. Bác sĩ Quý Khoa đánh giá chị Thùy có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn, dễ bị xuất huyết não.
May mắn 4 ngày sau sinh, chị vượt qua cơn nguy kịch. 15 ngày sau sinh, các chỉ số tiền sản giật được kiểm soát hoàn toàn, cũng là ngày đầu tiên chị được nhìn thấy con trai. Lúc này, bé đã được cai máy thở, chuyển sang thở máy không xâm lấn, nuôi ăn bằng ống sonde qua đường miệng. Sau ba tháng được bác sĩ nuôi dưỡng, hiện bé nặng hơn 3 kg, tương đương cân nặng 41 tuần thai.
Bác sĩ Quý Khoa cho hay tiền sản giật là bệnh lý sản khoa nguy hiểm, ảnh hưởng đến khoảng 5-7% phụ nữ mang thai. Bệnh thường khởi phát trong bệnh cảnh tăng huyết áp thai kỳ, có thể gây biến chứng nặng phù phổi, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp cấp, đột quỵ, tổn thương thận, võng mạc, hội chứng HELLP (thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu), thai chậm phát triển. Tiền sản giật thường xuất hiện sau tuần thai 20 với triệu chứng tăng huyết áp, lượng protein trong nước tiểu cao hoặc tổn thương liên quan gan, thận...
Thai phụ có bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh thận, đái tháo đường, lupus ban đỏ, hội chứng kháng phospholipid, đa thai thuộc nhóm nguy cơ cao bị tiền sản giật. Các yếu tố nguy cơ khác gồm tiền sử thai lưu, nhau bong non, mang thai nhiều lần, khoảng cách giữa các lần mang thai dưới 12 tháng, nhiễm trùng, béo phì, trên 35 tuổi...
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên tầm soát tiền sản giật trong ba tháng đầu thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa. Từ đó, bác sĩ phân loại nguy cơ cho thai phụ, hướng dẫn phương pháp dự phòng, theo dõi thai kỳ phù hợp, can thiệp kịp thời nếu bệnh diễn tiến nặng.
Ngọc Châu
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |